Khi nhiệt của đường dây “thi giả lấy chứng chỉ thật” tại Hải Phòng hay công nghệ làm bằng đại học giả ở Hà Nội chưa “hạ nhiệt”, Báo Người đưa tin tiếp tục nhận được phản ánh của độc giả về một loạt những điều khuất tất trong môi trường sư phạm. Lần này là ở Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Một trong những “khuất tất” mà độc giả phản ánh đó là thực trạng “dùng tiền mua chứng chỉ tiếng Anh, tin học” có dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, kèm theo đó là dấu giáp lai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, phía sau đó là sự “ăn – chia” của những “cán bộ chủ chốt” của Trung tâm. Điểm đáng lưu ý, Trung tâm này thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.
Một trong những “khuất tất” mà độc giả phản ánh đó là thực trạng “dùng tiền mua chứng chỉ tiếng Anh, tin học” có dấu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, kèm theo đó là dấu giáp lai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, phía sau đó là sự “ăn – chia” của những “cán bộ chủ chốt” của Trung tâm. Điểm đáng lưu ý, Trung tâm này thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.
Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Nội dung phản ánh cụ thể cho hay có hai kiểu đăng kí thi, khi đăng kí qua một số người là giáo viên dạy chính môn đó vừa là người ra đề hoặc đến trung tâm đăng kí và đề nghị thì sẽ có một buổi ôn tập để mớm đề (trường hợp này chỉ cần nộp tiền ôn tập hay gọi là "ngu phí"). Trường hợp hai là đăng kí qua người không dạy môn thi thì người đó thường sẽ tập hợp một danh sách những người đăng kí thi với mình sau đó thu tiền "đỗ", có ăn chia với lãnh đạo để lãnh đạo chỉ định giáo viên chấm cho đỗ mà không cần phải ôn tập, kể cả một chữ cắn đôi không biết cũng sẽ đỗ tất.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, nhóm phóng viên Báo Người đưa tin đã tiếp cận người đàn ông được nhắc tới trong nội dung phản ánh để có cơ hội tham gia kì thi mà thực tế được nhiều người gọi là đóng “ngu phí” để “mua chứng chỉ” dù việc biết tiếng Anh là một khái niệm “xa xỉ”.
Để đăng kí thi, khi gọi điện cho anh Tuấn chỉ cần nói là anh Hưng cho số điện thoại và giới thiệu giáo viên trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, hỏi giá cả sẽ rõ.
Đó là nội dung thông tin và những “từ khóa” quan trọng giúp chúng tôi thâm nhập vào “thánh địa” cấp chứng chỉ tin học được cho là uy tín, chất lượng của tỉnh Ninh Bình - Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Hướng nghiệp nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP. Ninh Bình).
"Từ khóa" mang tên "người đàn ông quyền lực" của Trung tâm.
Khi “nhận diện” được “con mồi” qua “từ khóa” quen thuộc, ông Tuấn giải thích cho tôi tất cả mọi thắc mắc rồi hướng dẫn những thủ tục cần và đủ để chuẩn bị cho kì thi không có tỉ lệ chọi. Nào là, em chỉ cần nộp 1 ảnh 3x4 hoặc 4x6 cùng với chứng minh nhân dân photo cộng với 500 nghìn đồng để có bằng; rồi lại, đó là phí để đỗ bằng B1 tiếng Anh, muốn bằng khá thì thêm 100 nghìn đồng, bằng giỏi thêm 200 nghìn đồng; hay như, em yên tâm sẽ đỗ, không cần phải tới học đâu, đã có bọn anh lo đây rồi, kể cả việc sau này có người về kiểm tra cũng có “anh” lo; có dấu đỏ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, có giáp lai của Bộ Giáo dục và Đào tạo...Đúng như hướng dẫn, “từ khóa” ấy đã giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn và nhanh chóng lấy được niềm tin của “người đàn ông quyền lực” tên Tuấn dù chỉ trao đổi qua điện thoại.
Đó là câu trả lời chắc nịch cho việc tôi băn khoăn mình không biết gì về tiếng Anh thì liệu đi thi có đỗ hay không, thêm vào đó thời gian gần đây thanh tra của Sở về các trường kiểm tra trình độ tiếng Anh của giáo viên nên các giáo viên... sợ.
“Em cứ yên tâm”, ông Tuấn nhắc đi nhắc lại câu đó nhiều lần để trấn an tinh thần cho một người dù bập bẹ vài ba câu tiếng Anh cơ bản cũng sai như sự trình bày của tôi.
Trước khi cuộc gọi kết thúc, ông Tuấn không quên nhắc khéo: Em hỏi xem ở trường mình hay bạn bè có ai có nhu cầu làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học cứ gọi cho anh, anh sẽ “giúp” bọn em, đảm bảo luôn.
Để “thử độ tin cậy” từ người đàn ông chưa bao giờ gặp mặt này, sau đó tôi không liên lạc lại như lời hứa sẽ “mua bằng” tại Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Bất ngờ, một tuần sau, tôi nhận được cuộc điện thoại với những câu đầy trách móc của ông Tuấn: “Em có hỏi được thêm bạn bè thi không? Sắp thi rồi đấy, nhanh không hết hạn”. Đáp lại câu hỏi về khoảng cách thời gian tổ chức các cuộc thi, tôi nhanh chóng nhận được câu trả lời của ông Tuấn là phải vài ba tháng sau.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên dựa trên các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình về việc đồng ý cho Trung tâm này tổ chức các kì thi cấp chứng chỉ tiếng Anh hay tin học, chỉ cách nhau khoảng một tháng.
Đồng thời ông Tuấn cũng nói rõ với chúng tôi, nên làm thủ tục trước kì thi ít nhất một ngày để họ không mất thời gian tới trình bày với giám thị nếu chúng tôi tới ngày thi mới nộp ảnh, CMND và tiền. Tất nhiên, câu chốt vẫn là “bọn anh lo được hết, em yên tâm”.
Sự nhiệt tình và những lời khẳng định của vị cán bộ này càng khiến chúng tôi an tâm để trở thành những thí sinh “bất đắc dĩ” tại kì thi lấy tấm bằng hết sức “đặc biệt”.
(Còn nữa)
Tác giả bài viết: Hải Nguyên – Thiên Minh Vũ