Giáo dục

'5 năm không tuyển sinh được mới phải đóng cửa ngành học'

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng việc nâng cao điểm chuẩn đánh trượt thí sinh không vi phạm quy chế nhưng nhà trường phải tính đến nguyện vọng của thí sinh.

Tình trạng nâng cao điểm chuẩn để đánh trượt một số thí sinh, vì không đủ điều kiện mở lớp, xảy ra 2 năm nay ở ĐH Đồng Nai. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở ĐH Hùng Vương.

Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết thí sinh bị đại học nâng điểm đánh trượt có thể xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác. Nếu đủ điểm trúng tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ đồng ý.

Không vi phạm quy định quy chế tuyển sinh

- Bà có đồng tình với cách làm của ĐH Hùng Vương, ĐH Đồng Nai khi nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt một số thí sinh trúng tuyển?

- Thực tế các trường đều mong muốn tuyển đủ chỉ tiêu. Trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở và duy trì lớp học, một số trường đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh chuyển sang nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau.

Chúng tôi hiểu có nhiều lý do dẫn đến cách lựa chọn của trường, chủ yếu là phải cân đối từ nguồn học phí, tính toán hiệu quả của hoạt động đào tạo. Cách giải quyết trên xuất phát từ góc độ của cơ sở đào tạo.

Thí sinh Nguyễn Minh Quân đăng ký nguyện vọng ngành Sư phạm Vật lý vào 3 trường đại học nhưng đều trượt, trong đó có ĐH Đồng Nai. Ảnh: NVCC.

- Nhiều ý kiến cho rằng các trường này không tuân thủ quy luật tuyển sinh lâu nay, không tôn trọng nguyện vọng chính đáng của thí sinh và các em chịu thiệt?

- Ở góc độ đảm bảo quyền của người học, cách thức đó của các trường dẫn đến thí sinh không trúng tuyển đợt 1 hoặc không trúng tuyển nguyện vọng mà các em ưu tiên. Nó có thể chưa được tính đến một cách đầy đủ.

Trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh và thí sinh tự do đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, cách làm đó không vi phạm quy định cụ thể nào của quy chế tuyển sinh, nhưng nhà trường nên tính đến nguyện vọng của thí sinh, nhất là khi các em đã lựa chọn trường mình để đăng ký xét tuyển.

Có những cách tốt hơn như chúng tôi từng khuyến nghị, hướng dẫn các trường thời gian qua. Sau khi có thông tin về đăng ký xét tuyển ban đầu, trường thấy có khả năng không đủ điều kiện mở lớp, cần thông tin đầy đủ cho thí sinh trước hoặc trong thời gian thay đổi nguyện vọng; báo cáo Bộ GD&ĐT hỗ trợ cách giải quyết; thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin với thí sinh về khả năng, điều kiện của trường và các phương án mà sĩ tử có thể lựa chọn. Rất tiếc, một số trường đã không thực hiện.

Đóng cửa ngành học phải theo quy định

- Đây không phải năm đầu tiên diễn ra hiện tượng các trường nâng điểm chuẩn loại thí sinh. Năm ngoái, Bộ GD&ĐT cho rằng đó là trường hợp cá biệt. Vì sao bộ không có giải pháp điều tiết việc tuyển sinh ở các trường này?

- Trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh, thí sinh được tự do lựa chọn ngành, nơi học, việc điều tiết của Bộ GD&ĐT phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật.

Quy chế tuyển sinh không thể quy định các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường, không kể số lượng trúng tuyển là bao nhiêu; cũng không thể quy định Bộ GD&ĐT điều tiết thí sinh trúng tuyển trường không đủ số lượng mở lớp sang học trường khác, vì còn phải tính đến nguyện vọng, điều kiện, ý kiến của thí sinh.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã định hướng các trường minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn, khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà các em đủ điểm trúng tuyển, nếu có đơn đề nghị gửi bộ và trường.

Năm 2018, ĐH Hồng Đức có ngành chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Trường đã thông tin kịp thời cho thí sinh và em đó đề xuất đổi sang học ngành khác. Vì vậy, việc nâng điểm cao của ĐH Hồng Đức ở ngành mà thí sinh đăng ký xét tuyển ban đầu chỉ là giải pháp kỹ thuật trong tương tác với hệ thống xét tuyển, không ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh.

- Về lâu dài, Bộ GD&ĐT có hướng như thế nào với các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như ĐH Đồng Nai, ĐH Hùng Vương?

- Các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như ĐH Đồng Nai, ĐH Hùng Vương không nhiều. Bên cạnh một số tác động như buộc trường nâng cao chất lượng thu hút thí sinh, đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành, khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh, thì cũng cần tính đến giải pháp hợp lý đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tạo ra cơ chế để các trường và thí sinh thực hiện.

Có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường, tình hình tuyển sinh và đào tạo những năm trước để người học lựa chọn.

Nếu trường vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm.

Nếu 5 năm không tuyển sinh, trường bị đóng ngành. Bộ GD&ĐT trao quyền tự chủ để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của mình khi không có sinh viên theo học.

Có những giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới để điều chỉnh pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT đang đặt hàng các nhà nghiên cứu của Chương trình khoa học giáo dục quốc gia với đề tài Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới để các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất thêm giải pháp đánh giá thực trạng, khắc phục bất cập phát sinh, làm cơ sở cho việc đổi mới công tác tuyển sinh trong thời gian tới.

3 học sinh lớp 7 bị bạn dùng dép đánh tới tấp

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP