Kinh tế

Yêu cầu khẩn từ Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh

Chiều 25-4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú chủ trì hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đến ngày 20-4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng (NH), còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước, kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...

Phó Thống đốc yêu cầu các NH triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Các NH tạo điều kiện cho vay bất động sản, đặc biệt tập trung cho vay gói 120.000 tỉ đồng; tiếp tục tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nội dung kết nối NH - doanh nghiệp…

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết 4 NH thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Với định hướng đó và sự cam kết của các NH thương mại, NHNN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các NH giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tăng trưởng tín dụng của NH đạt trên 5%, chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. NH luôn đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. "Triển khai các chỉ đạo của NHNN, chúng tôi luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã giảm 0,5% - 2% so với đầu năm 2023. Các NH cũng đã thống nhất cùng giảm mặt bằng lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay" - ông Lâm khẳng định.

Nêu đích danh một số NH lãi suất còn cao, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đề nghị NHNN chi nhánh các địa phương, cơ quan thanh tra giám sát NH tìm hiểu, báo cáo NHNN sau 1 tuần… Ông nhấn mạnh các NH cần tính toán, làm việc và có biện pháp giảm lãi suất cụ thể ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 này và cần thống nhất trong toàn hệ thống NH để tạo mặt bằng lãi suất chung.

Tác giả: Dương Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP