Tại Việt Nam, ngoài một số tổ chức tín đụng được cấp phép, tất cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều bị cấm đầu tư forex. |
Mất sạch 200.000 USD…
Đầu tư forex đã nhiều năm, song anh Nguyễn Văn Hưng (trú tại Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM) không ngờ tới có ngày vẫn bị sập bẫy sàn forex lừa đảo.
Trong đơn gửi Báo Đầu tư, anh cho biết, sau một thời gian tham gia đầu tư forex, anh có quen một người tự giới thiệu là Kim Ngân, số điện thoại 0967843837. Ngân nhiều lần khoe các lệnh đánh hợp lý, khoe tài khoản khách hàng của mình kiếm được cả triệu USD nhờ đầu tư forex qua sàn Bullaim, đồng thời mời chào anh Hưng tham gia mở tài khoản ở sàn này để đầu tư.
Dù đang đầu tư khá hiệu quả ở sàn khác, song tin tưởng Ngân, cộng với tâm lý hưng phấn do đang đầu tư có lãi, anh Hưng đồng ý mở tài khoản VIP tại sàn Bullaim, mã ID là 1066217, số tiền nạp vào là 120.000 USD. Nhờ có kinh nghiệm giao dịch, anh không đánh theo hướng dẫn của sàn, mà tự tiến hành giao dịch, chỉ sau 1 tuần đã lãi 78.000 USD.
Tuy nhiên, thấy tài khoản anh lãi khủng, ngày 14/9, khi nhà đầu tư này thực hiện 4 lệnh giao dịch, sàn lập tức nâng phí qua đêm lên gần 400 lần mà không hề thông báo cho nhà đầu tư. Sau khi thực hiện giao dịch, anh Hưng ngã ngửa vì với mỗi giao dịch của anh, sàn lấy tới 75.000 USD tiền phí. Tổng cộng với 4 giao dịch, anh bị sàn “chém” tròn 300.000 USD tiền phí. Từ chỗ lãi lớn, tài khoản của anh bị âm sau một đêm, toàn bộ số tiền 198.000 USD trong tài khoản bay sạch (gồm 120.000 USD tiền vốn).
“Cả tháng nay, tôi căng thẳng vì ngập trong nợ nần. Rõ ràng, sàn Bullaim có hành vi can thiệp hệ thống, tự động rút tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng theo Điều 290, Bộ luật Hình sự năm 2015”, anh Hưng khẳng định.
Mặc dù đã có kinh nghiệm đầu tư ngoại hối lâu năm, song anh Hưng cho biết, các môi giới lừa đảo đã rất khôn ngoan trong việc nắm bắt tâm lý nhà đầu tư. Ban đầu, họ tạo mối quan hệ tin cậy với nhà đầu tư, sau đó lợi dụng lúc nhà đầu tư đang hưng phấn vì lãi lớn hoặc đang bối rối để tấn công ồ ạt, dụ nhà đầu tư mở tài khoản, khiến nhà đầu tư quên mất thủ tục đầu tiên khi tham gia kênh đầu tư này là kiểm tra mức độ tin cậy của sàn.
Bullaim và Utspot cùng xuất thân tại thiên đường lừa đảo
Sau khi anh Hưng bị sàn Bullaim chiếm sạch gần 200.000 USD trong tài khoản, môi giới tên Ngân chối bỏ trách nhiệm và chặn liên lạc với anh. Tìm hiểu thêm, anh Hưng mới biết, sàn Bullaim thực chất cùng hệ thống với sàn UTspot có địa chỉ văn phòng đại diện tại tầng 12, tòa nhà MB, 538 - Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3, TP.HCM).
Trước đó, như Báo Đầu tư phản ánh, nhiều nhà đầu tư đã tố cáo sàn UTspot có dấu hiệu ôm lệnh, lừa đảo nhà đầu tư tương tự sàn Bullaim. Theo đó, nếu nhà đầu tư có lãi, sàn sẽ gây khó dễ, không cho rút tiền. Sau đó, sàn yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục đánh theo hướng dẫn để thua lỗ. Nếu nhà đầu tư không chơi tiếp mà đòi rút tiền, sàn sẽ đột ngột tăng phí để khiến tài khoản cháy sạch.
Hiện tại, địa chỉ trên của UTspot đã được đổi thành Công ty Modena Marketing. Tuy hoạt động có phần bí hiểm, khách hàng đến đều bị dẫn vào phòng riêng, song công ty vẫn đang rầm rộ tuyển dụng nhân viên phân tích tài chính, tổng hợp biến động của thị trường hàng hóa… Mặc dù thay vỏ, song ở phía trong Công ty, biển hiệu UTspot vẫn còn, logo giống hệt với logo trên trang web UTspot.com.
“Khi tôi đến làm việc, UTspot yêu cầu tôi viết số tài khoản và tên người tư vấn để kiểm tra, sau đó trả lời là ‘tài khoản của quý khách không phải của công ty chúng tôi’, nhưng tôi có bằng chứng khẳng định hai sàn này là một”, anh Hưng nói.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, địa chỉ của sàn Bullaim và UTspot giống hệt nhau, đều ở Quần đảo Marshall - thiên đường thuế và lừa đảo tài chính. Giao diện, ngôn ngữ thiết kế của hai sàn cũng gần như nhau.
“Khi tạo thử 4 tài khoản xen kẽ nhau giữa hai sàn trong cùng một thời gian, tôi nhận được 4 ID tài khoản là các số nối tiếp nhau, bao gồm tài khoản số 5025723, 5025725 của Bullaim và 5025724, 5025726 của UTspot. Khi tôi sử dụng tài khoản của Bullaim đăng ký hệ thống của UTSpot thì chỉ thấy thông báo sai sever (điều chỉ thấy khi tài khoản cùng hệ thống), chứ không phải sai tài khoản. Như vậy, thực tế hai sàn trên cùng một hệ thống lừa đảo”, anh Hưng khẳng định.
Việc các sàn forex “bẩn”, môi giới lừa đảo đã được Báo Đầu tư phản ánh rất nhiều gần đây, tiêu biểu là các sàn như UTspot, United market, MEXFund, Obtrend, Kawamex, tradeCMX, alfa Media…
Tại Việt Nam, ngoài một số tổ chức tín đụng được cấp phép, tất cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều bị cấm đầu tư forex. Tuy nhiên, do việc kiểm tra, xử phạt không nghiêm, nên các môi giới forex và văn phòng đại diện các sàn forex chui mọc lên như nấm sau mưa, công khai mời gọi nhà đầu tư.
Bên cạnh việc người dân nâng cao ý thức để bảo vệ mình, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công an phải tiến hành các đợt truy quét sàn forex bẩn, xử lý những môi giới lợi dụng kênh đầu tư forex để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, nếu không hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD ngoại tệ sẽ chui vào túi các sàn forex đen và môi giới lừa đảo.
Theo Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự và chịu án phạt lên tới 20 năm tù. Mấu chốt ở đây là cần chứng minh được hành vi lừa đảo, tức là phải có đủ các dấu hiệu của 2 yếu tố gồm: sử dụng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản. Điểm khó khăn với việc xử lý loại tội phạm này là việc chứng minh hai yếu tố này không hề dễ dàng. - Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco |
Tác giả: Thùy Liên
Nguồn tin: Báo Đầu tư