Trong tỉnh

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông

Ngày 7/3, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 164/TB-UBND về kết luận của đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh.

Tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, ưu tiên giải tỏa các vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông trên các tuyến đường

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cấp huyện, đơn vị quản lý đường bộ tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông (HLATGT); ưu tiên giải toả, xử lý các vị trí vi phạm đất của đường để bảo vệ các công trình thoát nước nền, mặt đường, đảm bảo hoạt động bảo trì, vệ sinh môi trường cho các công trình đường bộ. Đặc biệt, các vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông trên các tuyến đường trục chính, quốc lộ, đường tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trực tiếp cùng với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý tổ chức giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT. Rà soát đầy đủ, chính xác các vi phạm, tái lấn chiếm HLATGT trên tuyến quản lý cung cấp cho UBND cấp huyện và Công an cấp huyện trên địa bàn để lập kế hoạch giải tỏa trong năm 2024.

Công an tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã, các phòng nghiệp vụ liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Xử lý nghiêm theo quy định trách nhiệm người đứng đầu Công an các huyện, thành phố, thị xã, phường, xã, thị trấn thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để tình trạng vi phạm và tái lấn chiếm HLATGT diễn ra phổ biến trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Sở Xây dựng, TN&MT, VH&TT, TT&TT theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương trong việc cấp phép xây dựng, lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư, nhà ở; hoàn thành chỉnh lý các biến động về đất; hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai, xử lý việc giao đất, cấp đất, cho thuê đất chưa đúng với quy định của pháp luật, vi phạm do lịch sử để lại, hồ sơ thất lạc; bố trí, sắp xếp lại hệ thống bảng, biển quảng cáo, biển hiệu ngoài trời trong phạm vi HLATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè; tăng cường tuyên truyền chủ trương giải tỏa vi phạm HLATGT của tỉnh; biểu dương các điển hình tiên tiến và phê bình các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, triển khai chậm, không có hiệu quả...

Tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và tiến hành cưỡng chế, giải tỏa HLATGT theo quy định

UBND các huyện, thành phố, thị xã gắn trách nhiệm và giám sát, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, phòng, ban, đơn vị được phân công nhiệm vụ phụ trách tuyến đường (đoạn đường), địa bàn nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc ra quân xử lý ở địa bàn cơ sở, để xẩy ra tình trạng vi phạm tái lấn chiếm tràn lan trên địa bàn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và tiến hành cưỡng chế, giải tỏa HLATGT theo quy định; thực hiện các biện pháp duy trì kết quả giải toả, chống tái chiếm HLATGT.

Các địa phương tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, lấn chiếm, tái lấn chiếm trên phần đất dành cho đường bộ. Rà soát, đề xuất phương án di dời các chợ họp ven các tuyến đường bộ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; đề xuất phương án thí điểm mô hình xã hội hóa xây dựng các bãi đỗ xe trong đô thị; bố trí các điểm bán hàng rong, quà vặt trên các tuyến đường đô thị, khu đông dân cư; ưu tiên kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp chống tái lấn chiếm HLATGT, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường phổ biến, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã xây dựng chương trình hành động cụ thể, đưa phong trào đi vào cuộc sống, phối hợp trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh tăng cường phối hợp với Sở GTVT, Văn phòng Ban ATGT tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT đến người dân sinh sống ven các tuyến đường sắt; kiến nghị lực lượng Thanh tra An toàn đường sắt xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt trên tuyến Cầu Giát - Thái Hòa.

Đề nghị Khu Quản lý đường bộ II tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ (đối với các tuyến Quốc lộ do Khu quản lý) tổng kết việc rà soát, phân loại, thống kê các công trình vi phạm đất của đường bộ và HLATGT để phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch giải tỏa phù hợp với từng giai đoạn; tiếp tục cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan về quản lý HLATGT cho Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT cấp huyện.

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ; tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh phê bình thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp huyện, các đơn vị, địa phương thực hiện kém hiệu quả công tác giải tỏa, tái lấn chiếm hành lang giao thông, hè phố kéo dài.

Tác giả: Kim Oanh (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP