Trong tỉnh

Lấn chiếm hành lang nghiêm trọng trên tuyến đường sắt vắng tàu 10 năm tại Nghệ An

Trước tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt với tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn qua Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xử nghiêm và yêu cầu kiểm tra, đánh giá tổng thể về tuyến này để đề xuất phương án xử lý...

Tốn tiền tỷ để duy tu, bảo vệ tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn ngừng hoạt động chạy tàu hơn 10 năm. Hiện tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt trên tuyến xảy ra nghiêm trọng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 11416/BGTVT-KCHT gửi UBND tỉnh Nghệ An; Cục Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tăng cường các biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến các tầng lớp nhân dân.

"Việc cấp đất cho doanh nghiệp và người dân phải nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, có xét đến phần đất để xây dựng đường gom dọc theo tuyến đường sắt", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa sớm thực hiện việc xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, chủ trì, tổ chức xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ; phối hợp với Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt triển khai cắm mốc ranh giới đất dành cho đường sắt và công bố công khai các mốc chỉ giới đất dành cho đường sắt.

Ngoài ra, giao trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố.

"Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt kiểm tra, đánh giá tổng thể về tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn; đề xuất phương án xử lý theo kiến nghị của địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt (nếu có).

Ngoài ra, Bộ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt chỉ đạo đơn vị đường sắt phối hợp với địa phương cắm mốc chỉ giới đường sắt tuyến Cầu Giát - Thái Hòa để bàn giao cho địa phương quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất dành cho đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương cấc cấp kiểm tra, rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt theo quy định.

Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được văn bản số 8227/UBND-NC ngày 20/10/2022 của UBND tỉnh Nghệ An báo cáo về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An tuyến đường sắt có tổng chiều dài 30 km và ngừng hoạt động chạy tàu từ tháng 6/2012. Đến nay, tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt, hành lang an toàn đường sắt trên tuyến đường xảy ra nghiêm trọng.

Trong đó có 217 điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt, trong đó, huyện Quỳnh Lưu 61 điểm và thị xã Thái Hòa 156 điểm.

Đáng nói, dù hơn 10 năm không còn phục vụ tàu chạy, tuy nhiên, để bảo trì tuyến đường, mỗi năm ngành giao thông vẫn phải "rót" hơn 1 tỷ đồng mua thiết bị duy tu, trả lương bảo vệ để tránh bị kẻ xấu phá hoại, tháo trộm sắt.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP