Giáo dục

Xôn xao tin đồn "môn Ngữ văn thi trắc nghiệm": Bộ GD&ĐT nói gì?

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, thông tin môn Ngữ văn sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm là không đúng.

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (17/8), lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học cho biết, thông tin môn Ngữ văn sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm là không đúng.

Hiện Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào nói rằng từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá đối với học sinh ở môn Ngữ văn bằng kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận.

Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao thông tin từ năm học 2022-2023 tới đây, sẽ có nhiều lớp bắt đầu thực hiện hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan.

Điều đặc biệt là phần viết (làm văn) chỉ còn 4,0 điểm và phần đọc hiểu đã nâng lên 6/10 điểm.

Phần "làm văn" trước đây, bây giờ được gọi là phần "viết" sẽ là một bài văn hoàn chỉnh.

Bài viết này, học sinh sẽ viết một bài văn trọn vẹn, tương ứng với thể loại, phương thức biểu đạt của phần kiến thức mà học sinh học ở chương trình và sách giáo khoa trên lớp chính khóa.

Thông tin môn Ngữ Văn sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm là không đúng (Ảnh: Mạnh Quân).

Được biết, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phát đi văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ.

Văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ, các nhà trường phải đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn.

Thay vì để học sinh học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, việc đánh giá môn Ngữ văn phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh, xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Văn mẫu đang trở thành vấn nạn bất khả kháng trong giáo dục phổ thông, trói buộc tư duy học sinh trong "chiếc vòng kim cô" trong thời gian qua. Giáo viên dạy Ngữ văn theo khuôn mẫu, thậm chí đổi mới cũng theo… khuôn mẫu.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật.

Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng lưu ý, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò, bởi cứ như vậy, học sinh đương nhiên cũng phải học theo khuôn mẫu "nhất hô bá ứng".

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP