Xe

Xe gầm cao dần thống trị thị trường ô tô trong nước?

Các mẫu SUV, crossover và bán tải đang có doanh số tăng nhanh chóng, điển hình là trong tháng 6 vừa qua. Điều này cho thấy thị hiếu mua sắm xe hơi của người Việt đã có nhiều thay đổi.

Theo số liệu doanh số bán hàng do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, chỉ trong vòng 2 năm 2020 - 2021, lượng tiêu thụ các mẫu ô tô gầm cao tại Việt Nam đã tăng mạnh, vượt xa so với doanh số của các mẫu sedan vốn một thời thống lĩnh thị trường.

Với những ưu thế vượt trội, doanh số bán xe gầm cao đang dần tăng tại thị trường trong nước.

Trong năm 2021, trong khi doanh số dòng xe sedan sụt giảm 20% so với năm trước (75.588 xe) thì doanh số phân khúc SUV, crossover và MPV lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh tới gần 18% (92.185 xe), đồng thời chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường (22%).

Không đáng ngạc nhiên khi doanh số phân khúc xe gầm cao tăng trưởng mạnh trong năm qua. Lý do bởi các thương hiệu ô tô tại Việt Nam đã rất tích cực cho ra mắt các mẫu xe mới và đã đạt được thành công ở phân khúc này. Các dòng xe gầm cao đang được người Việt ưa chuộng bởi nhiều lý do.

Yếu tố đầu tiên đó là giá bán phần lớn các mẫu ô tô gầm cao tại Việt Nam hiện nay khá “mềm” với túi tiền của nhiều khách hàng, với mức khoảng từ 500 - 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, mẫu mã thiết kế của các mẫu ô tô gầm cao cỡ nhỏ ngày càng đa dạng, thời trang hơn.

Những mẫu xe gầm cao tại Việt Nam đều có giá phù hợp với "túi tiền" người mua.

Không chỉ khách hàng cá nhân, ô tô gầm cao cỡ nhỏ còn phù hợp với nhiều gia đình hay người trẻ tuổi đang tìm kiếm một mẫu ô tô nhỏ gọn, gầm cao để đi lại hàng ngày trong thành phố và đi du lịch cuối tuần.

Ngoài ra, đặc thù giao thông cũng tạo ra xu hướng muốn mua xe gầm cao. Nhiều người cho rằng đường sá Việt Nam có nhiều chỗ hố ga, nắp cống, đặc biệt đậu xe trong đô thị thường phải đi lên vỉa hè. Bởi thế, đi xe gầm thấp rất hay bị va chạm ở những khu vực này. Đặc biệt, vào mùa mưa, xe SUV/crossover hay bán tải thường có khoảng sáng gầm cao, có thể lội nước sâu mà không bị chết máy.

Cùng với đó, thiết kế vị trí ngồi cao, mũi xe thấp cùng cột A dốc đứng mang lại tầm nhìn tốt hơn cho người lái những mẫu xe gầm cao. Những mẫu xe gầm cao này cũng dễ dàng xoay trở trên đường phố đông đúc (ngoại trừ các mẫu SUV full-size và bán tải).

Theo báo cáo doanh số hàng tháng của VAMA (Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam) và các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam, trong bảng xếp hạng top 10 xe bán chạy nhất hàng tháng thường xuyên xuất hiện những cái tên thuộc phân khúc SUV, crossover và bán tải.

Điển hình như trong tháng 6/2022, có tới 8 mẫu xe thuộc nhóm sản phẩm này là: Toyota Corolla Cross (1451 xe), Ford Ranger (1.410 chiếc), Kia Sonet (887 xe), Hyundai Creta (830 xe), Mitsubishi Triton (793 chiếc), Vinfast VF e34 (782 chiếc), Suzuki XL7 (752 xe), Kia Seltos (705 xe).

Toyota Corolla Cross là mẫu xe gầm cao bán chạy nhất trong tháng 6.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong năm 2022, danh sách top 10 bán chạy hàng tháng có sự xuất hiện của mẫu xe crossover chạy điện Vinfast VF e34. Nó ở vị trí thứ 8 với 782 chiếc được bán ra. Điều này đã khẳng số lượng người Việt đang dần ưa chuộng phương tiện sử dụng năng lượng năng lượng sạch ngày một nhiều hơn.

Bảng xếp hạng tháng 6 lần đầu tiên chứng kiến Vinfast VF e34 góp mặt.

Cùng với đó, những chính sách ưu đãi cũng khiến mẫu EV đến từ Việt Nam hấp dẫn khách hàng. Chính phủ đã ra nghị định trong đó mức lệ phí trước bạ đối với ô tô điện cắm sạc đăng ký lần đầu được giảm về 0% kể từ 1/3 và sẽ có hiệu lực đến 1/3/2025. Như vậy so với xe xăng truyền thống, khách hàng mua ô tô điện sẽ chỉ phải trả tiền mua xe và lệ phí cấp biển số. Ví dụ như mẫu VinFast VF e34, khách hàng ở Hà Nội trước đây phải trả trước bạ 12% tương đương 82,8 triệu đồng. Từ 1/3, người đăng ký xe được miễn phí trước bạ, tức tiết kiệm được khoản tiền đáng kể.

Những chính sách khích lệ sử dụng xe điện đang hấp dẫn người mua trong nước.

Bên cạnh đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin 9 chỗ ngồi trở xuống từ mức 15% sẽ giảm xuống còn 3% kể từ ngày 1/3 và được áp dụng trong 5 năm. Đây là bước đi nhằm phát triển các phương tiện điện khí hóa tại Việt Nam, đưa đến tay người tiêu dùng với mức giá “dễ chịu” hơn.

Không chỉ phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ có sự cạnh tranh gay gắt, ở những phân khúc cao hơn, sự cạnh tranh cũng diễn ra quyết liệt giữa các dòng xe gầm cao từ SUV đến bán tải. Trong tương lai, người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn ở phân khúc xe này, đặc biệt là với các sản phẩm xe “xanh”. Sự cạnh tranh và đào thải là điều tất yếu để người dùng có những lựa chọn tốt, xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Tác giả: Trần Đình - Quốc Bình

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP