Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 phải phù hợp với thực tiễn phát triển của từng ngành, địa phương
UBND tỉnh yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 của tỉnh phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030 và phương hướng phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 của cả nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.
Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã (các địa phương) phải phù hợp với Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 của tỉnh và của các địa phương, các quy hoạch có liên quan theo pháp luật về quy hoạch; phù hợp với đặc điểm, thực tiễn phát triển của từng ngành, địa phương và bảo đảm tính kết nối vùng, kết nối với các địa phương lân cận; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh thời gian tới; bảo đảm sự kế thừa những thành quả đã đạt được, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, các ngành; gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công.
Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, phục vụ mục đích nghiên cứu. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phù hợp với thông lệ.
Các vấn đề cần tập trung khi xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần phải nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro trong nước và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH; trong đó đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, chính sách phòng chống dịch COVID-19 và thương mại của các đối tác, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 trong nước và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH,…
Cùng với đó, phải xác định được mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; xây dựng chỉ tiêu, phương án tăng trưởng của tỉnh, ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo phù hợp và khả thi. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết, Quyết định về phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025; Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KT-XH. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.
Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người xứ Nghệ trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KT-XH. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo quy định
Căn cứ khả năng thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2022, định hướng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2023 đối với từng ngành, lĩnh vực, năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế, những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, sắc thuế theo quy định. Phân tích, đánh giá cụ thể tác động, ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2023 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế bình quân tăng khoảng 7-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022 (sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.
Ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng của tỉnh
UBND tỉnh yêu cầu việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị định của Chính phủ thi hành Luật Đầu tư công và Luật NSNN, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2023, Công văn số 5035/BKHĐT-TH ngày 22/7/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; căn cứ mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các sở, ban, ngành và các địa phương xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.
Ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng của tỉnh, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, các dự án liên vùng, đường ven biển có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2023.
Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương gửi Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công, dự toán NSNN năm 2022 và xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công, dự toán NSNN năm 2023 về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 15/9/2022 để tổng hợp.
Tác giả: PQ (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn