Giáo dục

Vượt rừng tìm học trò về khai giảng

Mưa càng lúc càng nặng hạt, cứ như ai vốc từng vốc nước lớn tạt xuống đất. Đường trơn nhẫy. Song những thầy cô giáo vùng sâu của H.Kbang (Gia Lai) vẫn đội mưa, vượt rừng đưa các em học sinh từ nhà rẫy ở rừng về để kịp khai giảng.

Thầy giáo vượt suối sâu, băng rừng vào tận nhà đầm đưa học sinh trở lại trường cho kịp ngày khai giảng - Ảnh: Trần Hiếu

Những nhà đầm (nhà rẫy) của người bản địa Ba Na ở H.Kbang nằm hun hút trong thung sâu. Chuyện xe trượt bánh, những cú ngã dúi dụi vào bìa rừng cũng chỉ là… chuyện thường của giáo viên nơi đây khi vào nhà đầm tìm đưa học sinh (HS) trở về trường.

Quên cả ngày tháng ra trường

Ở vùng này suốt mùa hè, HS lên nhà đầm cùng bố mẹ và ở rịt trong rừng. Có HS quên cả ngày tháng để ra trường dù đã được thầy cô giáo dặn dò kỹ càng trước kỳ nghỉ hè. Vậy là các thầy cô Trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS Krong (H.Kbang) tất tả lên đường xuyên đêm trong trời trở mưa nặng hạt để tìm HS chuẩn bị cho ngày khai giảng.

Thầy Nguyễn Việt Quốc, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Cả 10 đêm liên tiếp giáo viên trong trường phải đi tìm các em thế này. Gần năm học rồi nhưng các em vẫn còn lười đến trường lắm!”. Ngoài rừng xa, bây giờ chỉ còn tiếng mưa, tiếng gió rít vần vũ trên ngọn cây rừng. Những bộ áo mưa cũng dần mất tác dụng. Áo quần bắt đầu sũng nước. Cái lạnh buốt da từ thung sâu khiến ai cũng cảm giác khó chịu.

Tìm học sinh trong mưa lạnh giữa rừng sâu - Ảnh: Trần Hiếu

Chúng tôi ngược rừng đến những khu nhà đầm thuộc các làng Tung, Gút của xã Krong để cùng với giáo viên tìm HS về trường. Đi được chừng hơn 10 km đường rừng, chúng tôi đành phải bỏ xe lại dưới con dốc trơn nhẫy. Mọi người băng rừng nhằm thẳng mấy ngôi nhà đầm leo lét ánh đèn trong đêm lạnh.

Là lao động chính khi học lớp 6

Thầy Quốc kể rằng có nhiều đêm họ phải đi về hơn 40 km để tìm HS. Nhiều phụ huynh không muốn con em đến lớp, đến trường bởi thiếu đi công lao động. Vậy nên, ngoài công việc tìm HS về trường, giáo viên phải làm thêm công tác “vận động tư tưởng” phụ huynh.

Con suối vắt ngang đường trong rừng già mùa này nước cuồn cuộn. Nước cứ từ thượng nguồn đổ về. Bấm từng ngón chân trên đá trơn trượt, chúng tôi bám vào nhau vượt suối. Dù chỉ chảy ngang thắt lưng nhưng nước chảy xiết, đi không khéo sẽ bị nước cuốn. Con suối rộng độ 15 m nhưng gần 20 phút chúng tôi mới vượt qua. Tiếp tục đi bộ hơn 4 km nữa, chúng tôi mới đến được khu nhà đầm. Ghé mắt nhìn vào trong, chúng tôi thấy cả 6 cậu HS lăn lóc ngủ say nơi góc nhà.

Giáo viên tìm vào tận nhà đầm đưa các em ra lớp - Ảnh: Trần Hiếu

Thầy giáo Đinh Hải lay nhẹ các em. Cả đám học trò dụi mắt nhận ra thầy giáo của mình. Phải một lúc cả 6 em mới hết ngái ngủ. Thầy hỏi sao các em không chịu về trường, mai khai giảng rồi, cả mấy đứa bẽn lẽn im lặng. Mãi rồi một em mạnh dạn lên tiếng rằng đã biết đến năm học nhưng bố mẹ vẫn muốn giữ các em ở nhà để phụ giúp nương rẫy. Mới học lớp 6, vậy mà các em đã trở thành lao động của gia đình...

Khoác cho những HS chiếc áo mưa đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi ngược lại con đường cũ. Nhưng dòng nước qua con suối lại chảy xiết hơn. Nước thượng nguồn tiếp tục dội về mạnh. Để đảm bảo an toàn, cứ một giáo viên cõng một HS cùng một giáo viên khác đi trước dò đường đề phòng bất trắc. Cứ bì bõm vượt suối dữ trong đêm đen như thế, cuối cùng cả thầy lẫn trò trở về trường khi đồng hồ đã báo qua ngày mới (5.9).

Các HS được thay quần áo mới, lót dạ bằng tô mì tôm nóng hổi do các thầy nấu cho. Các thầy cũng tranh thủ chợp mắt, lấy sức để còn dậy sớm chuẩn bị khai trường.

Ươm ước mơ từ thung sâu đại ngàn

HS ở nội trú ngoài việc có thêm điều kiện để học tập còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống.

Đinh Chăng, HS lớp 9, chia sẻ: “Em học ở đây vui lắm. Em được đọc nhiều sách, được thầy cô dạy nhiều kỹ năng sống. Em sẽ cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống của mình để sang năm được tiếp tục học lên bậc THPT, sẽ được học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Gia Lai”.

Học sinh được chăm sóc theo chế độ nội trú- Ảnh: Trần Hiếu

Krong là xã căn cứ của Gia Lai trong 2 cuộc kháng chiến. Song đến nay vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm nay, cả xã không có HS theo học đến bậc THPT. Năm học mới này, xã có 15 em theo học THPT tại Trường dân tộc nội trú, 4 em theo học Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai. Đây như là sự kiện lớn của H.Kbang và cũng là “quả ngọt” sau nhiều năm vượt mọi khó khăn, bám trường, bám lớp, miệt mài gieo chữ nơi vùng đất khó khăn này của bao thế hệ giáo viên.

Dù là mô hình bán trú nhưng với địa hình rộng và khó khăn nên nhà trường tổ chức như nội trú. Như thế HS ở các làng mới yên tâm ở lại học tập. Nhưng trái lại, giáo viên của trường phải vất vả hơn khi lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho HS. Với những HS mới, còn bỡ ngỡ, giáo viên trở thành… phụ huynh bất đắc dĩ để động viên các em yên tâm học hành, giúp vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ làng của các em.

Tác giả: Trần Hiếu

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP