Những ngày này, khi cả đất nước hướng về kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác, người cựu binh già Nguyễn Thanh Xuân lại giở tìm những bức ảnh của quá khứ.
Đây cũng là cách để ông hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ, tìm về những ký ức đẹp đẽ về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một nhà quay phim quân đội, ông có vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông cũng chính là một trong hai nhà quay phim được giao trọng trách ghi lại những hình ảnh cuối cùng về vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc.
Trung tá Nguyễn Thanh Xuân bồi hồi nhớ lại: Ngày 29/8/1969, tôi và đồng chí Trần Thanh Trà cùng một lái xe nữa được Tổng cục Chính trị điều đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Chúng tôi sửa soạn máy móc, lau chùi sạch sẽ, chuẩn bị sẵn sàng nhưng không được biết là sẽ đi đâu. Thế rồi xe đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Mừng lắm, được gặp Bác thì còn gì vui sướng hơn, thế mà mắt ai cũng nhòa lệ khi trông thấy Bác.
Lúc đó, trông Bác yếu lắm rồi. Được gặp Bác là một bất ngờ, được ghi lại hình ảnh những ngày cuối cuộc đời của Bác lại là niềm hạnh phúc lớn lao. Hồi ấy đất nước còn nghèo, dù được ưu tiên nhưng những chiếc máy quay phim chúng tôi mang theo đều cũ và rệu rã. Mỗi lần bật máy, tiếng động phát ra làm chúng tôi ái ngại, sợ làm Bác tỉnh giấc. Tôi bèn nảy ra một ý: dùng các miếng xốp bao bọc quanh máy làm cách âm để tránh tiếng động. Chúng tôi đã dốc hết tâm trí vào đó.
Cho tới hôm nay tôi vẫn ước giá như lúc đó mình có những phương tiện kỹ thuật hiện đại như bây giờ thì những hình ảnh về Bác Hồ sẽ đẹp và rõ nét hơn nhiều.
Gần 10 ngày túc trực bên giường bệnh của Bác, ông đã sử dụng hơn 5.000m phim nhựa ghi lại những sinh hoạt cũng như những khoảnh khắc cuối đời của Bác. Đó là những lúc đồng chí Võ Nguyên Giáp xới cơm mời Bác, những lời dặn dò của Bác với các đồng chí trong Bộ Chính trị…
Đặc biệt, sáng 2/9/1969, ông Vũ Kỳ lặng lẽ vào và cho biết, do phòng hẹp nên chỉ cần hai người quay phim đưa máy móc theo ông. Khỏi phải nói hai bác Xuân và Trà xúc động đến mức nào khi vừa bước vào phòng thấy các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đang đứng bên giường Bác. Kìm cảm xúc, hai người tìm vị trí, lặng lẽ bấm máy ghi lại những giây phút xúc động và thiêng liêng đó. Thời khắc ngắn ngủi ấy đậm mãi trong ký ức ông Nguyễn Thanh Xuân cho đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Thanh Xuân còn ghi lại nhiều hình ảnh quý như cảnh Bác đang chia thuốc lá cho bộ đội pháo, cảnh Bác đi thăm trận địa, chân lội bùn thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân...
Ông chia sẻ: Quay những cảnh này thật sướng bởi Bác hay “giúp ngầm” cánh quay phim, chụp ảnh. Ví như khi thấy Bác, bộ đội ta anh nào cũng cố chen vào để được đứng gần Bác, lúc đó những người thực hiện nhiệm vụ ghi lại hình ảnh rất khó làm việc. Thấy vậy, Bác vui vẻ bảo: “Nào các chú trật tự để cho mấy chú quay phim chụp ảnh làm việc”. Những thước phim đó thỉnh thoảng ông được xem lại trong các bộ phim tài liệu như “Đời đời nhớ ơn Bác”, “Trước lúc Bác đi xa”…
Khi được hỏi có phải do bác là người Kim Liên mà được xưởng phim Quân đội cử ghi lại những giây phút cuối cùng của đời Bác Hồ không, ông Xuân cười hiền nói: “Đó chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, sự trùng hợp may mắn thôi. Nhưng được cử làm việc hệ trọng đó thì cũng phải được cấp trên tin tưởng”.
48 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa nhưng những cảm xúc trào dâng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông, để rồi trong cả cuộc đời quân ngũ cũng như khi trở về với đời thường, trong mỗi hành động, việc làm của mình, ông như cảm nhận được ánh mắt Bác Hồ dõi theo ông, nhắc nhở ông phải sống mẫu mực, xứng danh anh “anh bộ đội Cụ Hồ”. Có lẽ vì vậy mà bản thân và gia đình ông đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
“Không chỉ tích cực tham gia xây dựng tổ chức Hội Cựu chiến binh xã Kim Liên và Chi hội xóm Liên Sơn 1 ngày càng vững mạnh, ông Xuân còn là tuyên truyền viên tích cực về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bằng những câu chuyện cảm động về Bác Hồ, trong mỗi lần sinh hoạt chi bộ và chi hội xóm, ông Xuân đã truyền đạt đến anh em cựu chiến binh các thế hệ, các cháu nhỏ nhận thức sâu sắc, trên cơ sở đó mỗi người đã vận dụng vào trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Bảo Huỳnh – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Liên Sơn 1 cho biết.
86 tuổi, cái tuổi thất thập “xưa nay hiếm”, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng Trung tá Nguyễn Thanh Xuân luôn tự răn mình phải sống sao để luôn xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ và không ngừng góp phần nhỏ của mình trong việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn: TTXVN