|
Chưa dời chợ cũ vì thấy không thỏa đáng!
Thời gian gần đây, hàng chục tiểu thương chợ thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ, Nghệ An) lo lắng, bất an vì kinh doanh bị đình trệ, cuộc sống bị đảo lộn trước thông tin tháng 6/2019, chính quyền sẽ thực hiện việc kiên quyết giải tỏa, yêu cầu dừng ngay việc tổ chức buôn bán tại khu chợ cũ của thị trấn đã tồn tại trên dưới 30 năm qua.
Lý do của việc giải tỏa vì khu đất chợ cũ sẽ được thu hồi và giao cho Hợp tác xã Hải An (HTX Hải An) tại thị trấn Tân Kỳ thực hiện đầu tư xây dựng khu Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn thương mại. Đồng thời, các hộ kinh doanh tại chợ cũ thực hiện việc di chuyển sang khu chợ mới đã khánh thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 8/5 vừa qua.
Dù đã khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhưng khu chợ mới do HTX Hải An đầu tư vắng bóng người đến kinh doanh |
Tuy nhiên, do chưa có sự thỏa thuận, đồng nhất về giá cả điểm kinh doanh tại chợ mới với HTX Hải An là nhà đầu tư xây dựng quản lý nên các tiểu thương đã có đơn thư cũng như kiến nghị trực tiếp lên lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An qua phiên tiếp công dân định kỳ.
Theo các tiểu thương, họ không đồng ý vào chợ mới Tân Kỳ bởi mức giá chỗ bán chủ đầu tư đưa ra cao. Với mức buôn bán và thu nhập thực tế lâu nay, việc chuyển sang chợ mới với một số tiền lớn sẽ khiến họ gặp khó khăn, thậm chí, đối diện với nguy cơ nghỉ buôn bán ở chợ.
Các tiểu thương cho rằng: Chỉ một địa điểm bán hàng dao động từ 5m² đến 9m², nhà đầu tư thông báo hợp tác đầu tư 50 năm với mức giá dao động từ 150 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng là quá cao so với thực tế điều kiện kinh doanh tại địa phương này. Ngoài ra, việc họp chợ dưới tầng hầm là không đúng với cam kết, với thông báo khi khi đặt cọc tiền.
Tiểu thương không đồng tình vì chủ đầu tư "điều chỉnh công năng" tầng hầm là tầng giữ xe thành mặt tầng trệt cho việc tổ chức họp chợ |
Đồng thời, chỉ qua vài ba trận mưa đã thấy nước lênh láng khắp khu chợ khiến các tiểu thương lo lắng về việc hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng khi đưa vào chợ mới để bán. Cũng như việc sẽ phát sinh thêm chi phí tiền điện chiếu sáng bởi hoạt động chợ dưới tầng hầm sẽ thiếu ánh sáng, người đi chợ sẽ ngại xuống để mua hàng…
Trong cuộc họp đối thoại với các tiểu thương mới đây vào ngày 29/5 do UBND thị trấn Tân Kỳ tổ chức, với sự tham gia của chủ đầu tư cũng như các cơ quan ban ngành huyện Tân Kỳ, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Trên 60 tiểu thương vẫn không đồng thuận lời giải thích từ chủ đầu tư về những tồn tại, bất cập mà họ đề xuất cần được xem xét. Cũng vì thế, các tiểu thương vẫn khẳng định họ sẽ không di dời khỏi chợ cũ đến khi nhà đầu tư hạ giá cho thuê cũng như khắc phục các tồn tại.
Chủ đầu tư cho rằng đã có... quá nhiều ưu đãi!?
Dự án chợ Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 7.765 m² đất với thời gian thuê đất giai đoạn 1 của dự án là 50 năm. Tổng mức vốn đầu tư của dự án đạt trên 177 tỷ VNĐ. Ngày 28/2/2018, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đã ban hành Giấy phép số 25 về việc cho phép HTX Hải An - Tân Kỳ (đơn vị thành viên của Liên hiệp HTX phát triển và quản lý chợ Việt Nam) được phép tổ chức đầu tư thi công xây dựng dự án. Đây là dự án nằm trong diện thu hút đầu tư thông qua Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Đinh Dậu 2017 tại Nghệ An.
Do tiểu thương chưa đồng ý hợp tác thuê mượn điểm kinh doanh tại chợ nên dù đã khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào đầu tháng 5/2019 nhưng tới nay thì chợ này vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”, chỉ duy nhất một số ki ốt thuộc dãy nhà ba tầng mặt tiền, bám đường lớn đi vào hoạt động, còn lại trong khu vực chính của chợ thì chưa có bất kỳ một tiểu thương nào buôn bán.
HTX Hải An, đứng đầu là nhà đầu tư Dương Văn Chiến (áo trắng) đứng phát biểu |
Nói về những thắc mắc của tiểu thương, đại diện phía chủ đầu tư là bà Bùi Thị Bắc – Trưởng phòng kinh doanh HTX Hải An cho rằng: "Tiểu thương kinh doanh ở khu chợ cũ chưa có sự phối hợp thực sự với nhà đầu tư chợ mới. Còn về chính sách, hỗ trợ, thu phí địa điểm, ki ốt kinh doanh…thì nhà đầu tư cũng đã trình các cấp ngành của tỉnh Nghệ An để được phê duyệt, giá cả dịch vụ tại chợ, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với quy định chung của UBND tỉnh Nghệ An.
Như việc di dời hàng hóa sẽ được nhà đầu tư hỗ trợ mỗi tiểu thương 1,5 triệu đồng, hỗ trợ mỗi nhà có ki ốt kiên cố từ khu chợ cũ với mức giá 4 đến 5 triệu đồng. Cùng với đó là việc miễn giảm 100% phí trông giữ xe và tiền thuê địa điểm trong năm đầu tiên. Năm tiếp theo sẽ giảm 10% tiền thuê…Nếu tiểu thương không có điều kiện góp vốn một lần có thể thuê theo từng năm, nhiều năm liền theo nhu cầu, khả năng".
Tiểu thương chợ cũ thị trấn Tân Kỳ cho rằng nếu giải tỏa chợ cũ phải có sự đồng thuận của dân, nhà nước cần hỗ trợ và chủ đầu tư chợ mới cần phải có sự cân nhắc về giá cả cũng như khắc phục bất cập |
Dự án chợ mới Tân Kỳ được khởi công chính thức từ tháng 3/2018, với việc đầu tư xây dựng chợ này thì chủ đầu tư là HTX Hải An cũng đã được nhận nhiều đãi về chính sách, thuế từ UBND tỉnh Nghệ An. Đơn vị này cùng một lúc trúng khá nhiều dự án lớn tại tỉnh Nghệ An, đặc biệt là dự án liên quan tới phát triển chợ, một số dự án thủ tục chưa hoàn thiện nhưng vẫn khởi công đầy tai tiếng.
Liệu giá dịch vụ cho thuê do HTX Hải An đã thực sự phù hợp như chủ đầu tư nói hay chưa?
Chủ đầu tư "điều chỉnh công năng" tầng hầm là tầng giữ xe thành mặt tầng trệt cho việc tổ chức họp chợ đã không đúng với cam kết, với thông báo khi khi đặt cọc tiền không?
Nước lênh láng mỗi mùa mưa đến, chủ đầu tư sẽ khắc phục cách nào để đảm bảo hàng hóa của tiểu thương không bị ảnh hưởng khi di chuyển đến chợ mới?
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh