Trong tỉnh

Vì sao Dự án xây dựng “Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An Giai đoạn 2”: Hai lần khánh thành vẫn chưa xong?

Dự án “Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An Giai đoạn 2” (viết tắt là Bệnh viện Mới) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 40%. Sau 8 năm xây dựng, 2 lần khánh thành, 5 lần gia hạn nhưng bệnh viện này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Bệnh viên nhìn từ bên ngoài

Các nhà “thầu phụ” kêu cứu.

Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn kêu cứu, tố cáo hình sự của một số doanh nghiệp CCB trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp này là những nhà thầu phụ, tiến hành xây dựng và cung cấp nguyên vật liệu như: Bê tông, sắt thép, gạch… cho Bệnh viện Mới từ năm 2016 đến 2019.

Theo thống kê sơ bộ, hiện tại số tiền mà Bệnh viện Mới đang nợ các doanh nghiệp gần 15 tỷ đồng. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp này đã nhiều lần đi đòi nợ, nhưng vô vọng. Một số doanh nghiệp phải cử người ăn chực, nằm chờ tại công trường bệnh viện để đòi được nợ, nhưng không có kết quả. Thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản vì số nợ do dự án này.

Theo hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, “Công ty cổ phần xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An” được thành lập năm 2015 bởi 3 cổ đồng, gồm: Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Công ty CP đầu tư Cotec HealthCare (T.P Hồ Chí Minh), Công ty CP Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (T.P Hồ Chí Minh). Vốn điều lệ 260 tỷ đồng.

Ngày 6-11-2015, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Mới, do Công ty Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An làm chủ đầu tư, thực hiện, có tổng mức đầu tư là: 1.359.691.000.000 đồng (một nghìn, ba trăm năm mươi chín tỷ, sáu trăm chín mươi mốt triệu đồng). Trong đó Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An góp 40% vốn bằng 21.854,95m2 đất, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vàgiá trị thương hiệu. Dự kiến Bệnh viện Mới sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào quý I-2019 với tên gọi: Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2. Với quy mô 600 giường bệnh, cao 8 tầng. Công suất khám chữa bệnh khoảng 1.500 lượt người/ngày, theo tiêu chuẩn bệnh viện khách sạn 4-5 sao.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết. Ngay sau khi bắt đầu thực hiện xây dựng dự án Bệnh viện Mới, Công ty cổ phần Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An (chủ đầu tư Bệnh viện Mới) đã ký kết hợp đồng, giao cho Công ty COTECLAND, một công ty con trực thuộc Công ty CP đầu tư Cotec HealthCare được làm tổng thầu xây lắp đối với toàn bộ dự án Bệnh viện Mới. Theo các nhà chuyên môn, những vấn đề như chậm tiến độ, tạm dừng xây dựng và nợ tiền các nhà thầu phụ và doanh nghiệp cung cấp vật tư tại Nghệ An như hiện nay, là hậu quả từ sự ký kết “Hợp đồng tổng thầu xây lắp” này. Bởi do mối quan hệ “Công ty mẹ” và “Công ty con” với cổ đông Cotec HealthCare, nên Tổng thầu CotecLand được ứng trước số tiền vượt quá nhiều lần so với khối lượng xây lắp Bệnh viện Mới. Nên đến năm 2020, khi công trình Bệnh viện chỉ mới xây dựng được hơn 50%, các nhà thầu phụ và đơn vị cung cấp vật tư chưa được thanh quyết toán tài chính, thì công trình “Bệnh viện Mới” buộc phải dừng thi công do hết tiền.

Sau mấy năm tạm dừng thi công, dự án Bệnh viện Mới đi vào bế tắc, thì cổ đông lớn nhất của liên doanh “Công ty cổ phần Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An” là Cotec HealthCare tìm cách thoái vốn, rút lui khỏi liên doanh này. Công ty Nhất An (viết tắt là Nhất An) mua lại toàn bộ cổ phần của Cotec HealthCare và tiến hành tái khởi động dự án Bệnh viện Mới một cách cầm chừng, nhỏ giọt.

Không biết trách nhiệm kế thừa của Nhất An khi nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cotec HealthCare đến đâu, nhưng các khoản nợ của các nhà thầu phụ và các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu đã ký kết với tổng thầu CotecLand trước đây, bị “Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An” từ chối trách nhiệm trả nợ. Hiện, Công ty CP Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã âm thầm ký kết, hợp đồng với các công ty khác, tiếp tục thi công, tiếp nối trên khối lượng mà các nhà thầu phụ trước đây đã thi công. Bất chấp sự phản đối quyết liệt, thậm chí đã xảy ra xung đột giữa các nhà thầu cũ và mới. Còn một số doanh nghiệp khác, đành gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An để kêu cứu.

Đơn kiến nghị của các nhà thầu tham gia xây dựng bệnh viên

Dự án nhiều khuất tất

Ngay từ đầu, tỉnh Nghệ An kỳ vọng Dự án Bệnh viện Mới, là dự án đầu tư trọng điểm. Mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho chính quyền, cũng như người dân tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng Bệnh viện Mới này đã trở thành “trái đắng”, gây ra rất nhiều vấn đề trong môi trường đầu tư, cũng như ổn định xã hội tại Nghệ An. Để giải quyết hậu quả, trở lại tình trạng ban đầu như khi chưa hợp tác đầu tư bệnh viện, thì phải cần rất nhiều thời gian và phương án khắc phục.

Đầu tiên phải kể đến sự mập mờ ở tên gọi của Bệnh viện Mới đang xây dựng này. Theo hồ sơ được phê duyệt, thì bệnh viện này có tên gọi: “Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - GĐ 2”. Dù việc đặt tên này không sai với quy định, nhưng đây là một việc làm mập mờ, gây nhầm lẫn cho người đi khám chữa bệnh. Bởi tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hiện đã có một “Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An”, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An hoạt động hàng trăm năm nay với mục tiêu là khám chữa bệnh cho nhân dân. Đây cũng là bệnh viện tuyến cuối trong phân cấp khám chữa bệnh khu vực Bắc - Trung - Bộ của Bộ Y tế. Còn “Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - GĐ 2” là dự án đầu tư của “Công ty cổ phần Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An” (thành lập năm 2015) với mục đích là kinh doanh. Lợi nhuận thu được từ việc khám chữa bệnh của Bệnh viện Mới này, sẽ thuộc về các cá nhân, không phải thu vào cho ngân sách nhà nước. Một bệnh viện mới, do các liên doanh đầu tư với mục đích kinh doanh được trùng tên với một bệnh viện lớn, trực thuộc hệ thống bệnh viện công đang hoạt động, sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho người khám, chữa bệnh và ngân sách nhà nước.

Bên trong sau 8 năm khởi công còn đang xây dựng ngổn ngang

Thêm một câu chuyện nữa, là sau khi dự án Bệnh viện Mới được cho phép thực hiện, thì ngày 27-12-2016 UBND T.P Vinh có Văn bản số 7059/UBND-QLĐT về việc thu hồi, đóng con đường Hồ Tông Thốc (Nghi Phú- T.P Vinh), để giaomặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Hữu Nghị. Việc thu hồi, hủy bỏ con đường này đã gây ra nhiều bức xúc cho hàng ngàn hộ dân sinh sống tại đây. Bởi đây là con đường rải nhựa, đã tồn tại hàng mấy chục năm ở giữa lòng thành phố Vinh.Phục vụ việc đi lại cho hàng ngàn người và phương tiện mỗi ngày.

Chính vì vậy, nên người dân đã gửi đơn kiến nghị đi khắp nơi, thành điểm nóng về khiếu kiện. Trước sự quyết liệt của người dân, cũng như công luận, hai năm sau (tức tháng 9-2018) chính quyền tỉnh Nghệ An đã phải bỏ ra 4,5 tỷ đồng để khôi phục, trả lại con đường đã thu hồi cho người dân.Nhưng trách nhiệm của những người ra quyết định thu hồi con đường, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước đến nay vẫn chưa bịxử lý.

Chưa hết, Bệnh viện Mới này đã nhiều lần gia hạn đầu tư và hai lần được tổ chức khánh thành (ngày 26-2-2020 và 19-5-2023), chậm 5 năm so với cam kết ban đầu (2018) nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Và vào ngày khánh thành 19-5-2023 mới đây, chủ đầu tư lại cam kết: Bệnh viện sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Thế nhưng hiện tại, Bệnh viện Mới chỉ “Hoành tráng” ở phía ngoài. Còn bên trong tòa nhà, vẫn chưa hoàn thiện hết phần xây dựng, các trang thiết bị cần thiết cho việc khám chữa bệnh vẫn chưa hề có.

Trong khi đó, trước đây vào tháng 4-2017, dù tiến độ xây dựng Bệnh viện Mới chỉ mới đạt 50 % phần thô, nhưng Công ty cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiến hành tuyển dụng nhân sự, phục vụ cho việc khám chữa bệnh của Bệnh viện Mới. Hàng trăm ứng viên được yêu cầu đi từ Nghệ An, ra Trường đại học Y Hà Nội để dự tuyển. Thế nhưng, sau khi trúng tuyển, ký hợp đồng lao động thì hàng trăm con người cứ dài cổ, suốt mấy năm chờ đợi Bệnh viện Mới đi vào hoạt động... và không biết họ còn phải chờ đến bao giờ.

Chúng tôi còn tìm hiểu, biết được rằng: Hai cổ đông lớn đến từ T.P Hồ Chí Minh của liên doanh Bệnh viện Mới đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Nếu tình trạng hiện nay kéo dài, chắc chắn dự án Bệnh viện Mới sẽ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không thể giải quyết. Chính vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An cần phải quyết liệt hơn, trong vai trò quản lý nhà nước và quyền cổ đông (40%) của mình tại liên doanh Bệnh viện Mới. Đặc biệt phải xử lý các vấn đề tồn đọng công nợ của các doanh nghiệp, nhà thầu phụ đang kêu cứu.

Phải thay đổi tên gọi của dự án bệnh viện cho phù hợp với tình hình thực tế. Tránh gây thiệt hại cho Nhà nước trong việc liên doanh, và cho nhân dân trong khám, chữa bệnh.

Tác giả: Thế Sơn

Nguồn tin: cuuchienbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP