Trong tỉnh

Vì sao cây bàng cổ hàng trăm năm tuổi ở Nghệ An bị chặt hạ?

Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, sáng 20/7, UBND xã Nam Sơn, huyện Đô Lương đã tiến hành xử lý cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Trước đó vào ngày 28/5, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã nhận được Công văn số 1118/UBND.VX về việc xử lý cây bàng cổ thụ thuộc di tích đền Cả, xã Nam Sơn nay đã lão hóa sinh học và sâu bệnh.

Đến ngày 6/6, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An Bùi Công Vinh đã ký công văn đưa ý kiến gửi UBND huyện Đô Lương về việc xử lý cây bàng cổ thụ ở xã Nam Sơn.

Theo đó, do cây đã bị chết hoàn toàn và để đảm bảo an toàn trật tự giao thông, phía huyện Đô Lương cần có biện pháp xử lý phù hợp cây chết khô, nghiên cứu phương án trồng cây mới thay thế.

Theo lãnh đạo UBND xã Nam Sơn, việc xử lý cây bàng hàng trăm năm tuổi này xuất phát từ kiến nghị của Cục quản lý đường bộ trước đó, khi tỉnh có ý kiến thì phía UBND huyện sẽ giao cho xã xử lý. Cây bàng hiện đã chết, mục hoàn toàn, nếu không hạ đi sẽ rất dễ gây ra những nguy hiểm cho người dân xung quanh, đặc biệt là trong mùa mưa bão đang đến gần.

Cây bàng cổ hàng trăm năm tuổi ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) bị hạ

Cây bàng cổ ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương được trồng vào cuối năm 1778, khi ông Nguyễn Đăng Quý đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn, người có công lớn với triều đình, lâm bệnh và qua đời. Ông được nhân dân xây dựng đền thờ, quang năm hương toả nhớ ơn. Cây bàng cổ được trồng cạnh đền, nằm sát Quốc lộ 7, cách cầu Đô lương hơn 1km về phía tay phải.

Cây bàng cổ cao khoảng 15m, đường kính thân cây gần 2m. Khi cây còn sống, thân cây phủ một lớp cây sống cộng sinh; cành cây bàng cổ, rêu phong, quanh năm toả bóng mát che chở cho dân làng Phú nhuận.

Năm 2018, cây bàng cổ xã Nam Sơn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích, danh Thắng Nghệ An. Và đến năm 2020 tỉnh đã phân cấp giao cho UBND huyện Đô Lương quản lý.

Tác giả: Phan Huy

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP