Theo thời gian, đất càng chật người càng đông, nhà mát dần thành ra từ chỉ trạng thái. Làm nhà sao cho mát mẻ ngày càng khó, dù xứ nóng nghìn năm nay khí hậu vẫn nóng vậy, kinh nghiệm cha ông luôn còn đó, nhưng thực tế sao vẫn nhiều loay hoay trong thời mới. Dưới góc nhìn về văn hóa ứng xử với nơi ăn chốn ở của người Việt nơi đất Việt, có thể thấy không ít cách thức thú vị gợi mở cho những giải pháp làm mát nhà cửa hữu hiệu, bền vững.
Khai thác không gian đệm kết hợp khoảng thiên nhiên đan xen là cách chắn nắng, giảm nóng hữu hiệu mà không thái quá. |
Ngay trong từ ngữ, “mát” đã là một trạng thái… ở giữa, không thuần âm (lạnh) hay thuần dương (nóng). Văn hóa Việt lâu nay đặc thù tính nhập nhằng nước đôi, lơ lửng lưng chừng, ít nhiều cũng do kiểu ứng xử phải thường xuyên chuyển đổi trạng thái để tồn tại. Hè nóng bức ra hiên phe phẩy, thu hây hẩy dội gáo nước trong, đông mưa dầm rút vào góc bếp, xuân khép nép trẩy hội tung tăng… từ nhà ra ngõ đều thấy cha ông ghi dấu nhiều giải pháp thú vị, những lý do thiết thân, thiết thực.
Giảm ngăn chia, đừng thái quá
Từng nghe chuyện thử thách nho nhỏ với dân làm nghề kiến trúc xây dựng: làm sao ngăn phòng trong ngôi nhà truyền thống Việt? Từ nếp nhà Bắc bộ ba gian hai chái qua nhà lá mái Bình Định, xuống nhà chữ đinh Nam bộ hay ngược lên nhà dài Tây Nguyên, đa phần không gian nhà ở dân gian vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều đều mang tính liên tục, ít ngăn chia để thông thoáng và đối lưu không khí tốt hơn.
Thế mà sang thời ba bốn chấm vẫn có các công trình nhà tư nhân làm bít bùng như cái hộp xong lấy ánh sáng tự nhiên bằng cách mở nắp trên thông thiên lên mái cực kỳ chói chang, hoặc bọc toàn gạch bông gió bên ngoài để trong gắn kính gọi là “nhiệt đới đương đại”. Nếu nói về mặt kế thừa giá trị truyền thống và kinh nghiệm phong thủy xưa nay thì nhà thời mới đặt ra không ít vấn đề phải xem xét lại.
Cha ông ta luôn chú ý tới ánh nắng và không khí, cho nên khi chọn nhà ở, không phải chỉ có “gió và nước” mà phải cân bằng ánh sáng mặt trời (dương quang) khi nhận bức xạ vào và thoát nhiệt ra. Nếu thiếu dương quang thì nội thất sẽ luôn bị âm khí nặng nề, nhưng thừa dương quang thì cũng không chịu được trong những giờ nắng lên cao và mùa nắng nóng. Vậy nên giải pháp bền vững của nhà truyền thống là vừa đóng vừa mở, không phải lấp lửng, mà là linh hoạt tùy lúc.
Tùy theo hướng nhà và công năng, dùng mảng kính có thể là “bẫy nhiệt” nung nóng không khí bên trong, nên cần xử lý đúng mức. |
Cách bố trí nhà phố hiện nay nếu đặt các phòng ngủ ở giữa mà không có giếng trời thì sẽ hình thành hành lang dài hẹp, âm thịnh nên luôn phải bật đèn cả ngày. Còn cách bố trí ngắt hẳn nhà ống ra thành những khối nhà độc lập có sân giữa thì lại làm chia cắt nội khí, nắng xuống chói chang và bề mặt tường trong sân phản chiếu bức xạ qua lại khiến trong nhà nóng bức, dương quá thịnh.
Ở châu Âu hay Bắc Mỹ, số ngày nắng trong năm khá ít nên người ta hay mở khung kính rộng, nhà nào có hiên phơi nắng, có gian áp mái là hấp dẫn, thuộc dạng “có điều kiện” được tận hưởng nắng. Còn khí hậu Việt Nam vốn thừa nắng và lại gay gắt, oi bức, như các nghiên cứu khoa học thống kê: vùng phía Nam nước ta có đến hơn 11 giờ nắng mỗi ngày thì tỷ lệ mở cửa trực tiếp trên mặt tường ngoài nhà không nên vượt quá 25%, và cửa kính nếu không được ngăn bức xạ mặt trời bằng cách giải pháp kỹ thuật đúng mức thì sẽ là dạng “bẫy nhiệt” nung nóng không khí nội thất và ngăn cản nhiệt bên trong thoát ra ngoài(*).
Do vậy cách ứng xử đóng mở linh hoạt, không ngăn chia thái quá, lan tỏa ánh sáng gián tiếp, dịu nhẹ, chính là cách làm nhà mát hòa hợp âm dương. Cụ thể biểu hiện qua một số nhận dạng sau:
- Dùng mái vươn rộng tạo hiên hoặc mái che nắng xiên, có thể kết hợp tấm lam đóng mở tùy mùa, tùy giờ nắng trong ngày.
- Dùng cửa ngoài dạng chớp (hoặc nan gỗ có thể chỉnh khe sáng) để lọc bức xạ và tạo nên những lớp kế tiếp nhau gọi là “bẫy gió” rất hiệu quả.
- Dùng vật liệu nguồn gốc tự nhiên có độ xốp rỗng, màu sậm để dễ tản nhiệt cũng như không phản xạ chói chang.
Từ đó dễ thấy nếu làm nhà kiểu khối hộp Tây phương, mảng kính mở rộng rồi phải kéo rèm che kín mít, ốp gạch trang trí thiếu cân nhắc, dùng lam thiếu cân nhắc phương hướng cụ thể... thì sẽ mang tính tạo hình nhiều hơn là công dụng thực chất. Một số chung cư mới xây hiện nay bên ngoài chủ yếu là bề mặt nhôm kính chiếm tỷ lệ cao, vào bên trong mới thấy nắng chiếu rất chói gắt và khó bài trí nội thất vì mở cửa quá nhiều. Mặt khác đa số cửa kính chung cư lại ít mở được vì trên cao gió mạnh, mưa tạt nhiều, nên thành ra trong nhà rất ngợp và luôn phải bật máy điều hòa.
Trông nắng gió, ngó cây xanh
Cho dù sáng tạo hình khối đến đâu thì tổ chức không gian kiến trúc bền vững đều từ các nguyên tắc cơ bản về khí hậu. Nhà nhiệt đới nhận 3 thành phần liên quan của bức xạ nhiệt qua ánh sáng, đó là ánh sáng trực xạ, ánh sáng tán xạ của bầu trời, và ánh sáng phản xạ của mặt đất - công trình lân cận tác động vào. Trong hoàn cảnh đô thị mật độ bê tông hóa cao thì nắng vào nhà ở sẽ đi kèm theo khói bụi, nhiệt độ và tiếng ồn. Xứ nhiệt đới nóng ẩm cần ưu tiên nhà xoay được cửa lấy nắng và đón gió về các hướng nam, đông nam và đông (có nắng chiếu tốt từ buổi sáng đến gần trưa).
Nếu gặp hướng từ tây nam, tây qua tây bắc, tức là các hướng có nắng gắt, mang theo bức xạ chói chang và góc mặt trời hạ thấp thì phải giảm thiểu cường độ bức xạ thông qua các hệ thống rèm che, hoa tường, lam chắn nắng, nhưng không làm đặc kín được vì vẫn phải thông gió và thoát gió, tạo đối lưu không khí.
Một ngôi nhà nắng chiếu trực tiếp chói chang là thuộc diện dương quang quá mạnh, như các căn hộ chung cư trên tầng cao, không thể nào làm cửa mở rộng như nhà nhỏ dưới trệt được, vì ánh sáng trên cao không có gì che bớt (cây xanh, nhà lân cận) sẽ chói chang gay gắt hơn. Giải pháp dùng cây cối, bình phong, rèm dày… sẽ hữu hiệu trong việc điều tiết cường độ ánh sáng vào phòng, nhưng vẫn phải cần gia chủ quyết định mình có diện “ưa nắng” hay không. Và khâu chọn hướng ban đầu quyết định hơn 50% tính chất căn hộ, còn lại mới là giải pháp của người sử dụng.
Trở lại chuyện mở giếng trời lớn trong nhà phố, ai cũng biết là có nắng vào nhiều vẫn hơn nhà thiếu ánh sáng và thông gió trực tiếp, nhưng cũng cần phải định lượng yếu tố này. Mở sân trong, giếng trời lớn thậm chí còn gây ra dương khí quá thịnh, lúc nào ở trong nhà cũng thấy chói chang (nhất là vào cao điểm mùa khô và giữa trưa). Tốt nhất là kết hợp giếng trời với các trục giao thông ngang và đứng như cầu thang, hành lang, thông tầng) và có thể bố trí hệ lam điều chỉnh được trên cao, hoặc đặt cây xanh kiểu vườn treo, giàn leo… để giảm trực xạ xuyên xuống các phòng.
Kế thừa tinh thần nhà truyền thống không có nghĩa là sao chép nguyên bản, bởi kiến trúc, vật liệu, cách sống mỗi thời, mỗi vùng đều khác nhau. |
Bên cạnh đó, việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt hình thức (ví dụ dạng nhà gạch trần ở Mỹ La tinh, dạng nhà hộp bê tông tối giản ở Nhật Bản, hay nhà giống như resort tranh tre ở Bali, Indonesia) khi “vào” điều kiện đô thị Việt Nam cần biến đổi, cân nhắc cho phù hợp. Gần đây, nhiều học giả và nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhìn nhận, đánh giá lại rằng: kiến trúc hiện đại tại miền nam Việt Nam giữa thế kỷ XX khẳng định vị thế rất rõ ràng, thực tế và hiệu quả. Không chỉ các công trình công cộng như Thư viện Tổng hợp, dinh Độc Lập, đại học Y khoa… mà hệ thống nhà ở tư nhân thời thập niên 60-70 đã có những cách thức tổ chức không gian hòa hợp đặc trưng khí hậu nhiệt đới, vật liệu sử dụng mang tính địa phương, giải pháp dùng lam, khối, mái, hiên… rất phong phú linh hoạt, là nguồn tư liệu sống động đáng tham khảo (**).
Quan niệm về ngôi nhà mát mẻ, hài hòa âm dương ở xứ nhiệt đới cần mang tính tích hợp nhiều giải pháp liên hoàn. Mát mẻ không chỉ có màu xanh và bóng râm của cây lá, mà cốt lõi ở giải pháp kiến trúc và cảnh quan phải ổn định, kinh tế, hài hòa các lợi ích thiết thực, đồng thời tạo đươc sự an tâm và thoải mái trong quá trình ăn ở cho gia chủ.
Tác giả: ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương
Nguồn tin: nguoidothi.net.vn