Giáo dục

Trường nghề đi xe biển xanh đến tận nhà tuyển sinh vẫn không đủ chỉ tiêu

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - kỹ thuật số 1 hiện mới có 70 học sinh đăng ký nhưng theo 'kinh nghiệm' của trường thì chưa chắc đã có nổi 1 em đến làm thủ tục.

Nỗi khổ mùa tuyển sinh của trường nghề

Đến thời điểm này, các trường đại học đã biết được trường mình có bao nhiêu nguyện vọng thì các trường nghề đang ngồi trên “đống lửa” để chờ đợi thí sinh của trường mình. Việc tuyển sinh cũng phần nào “bị động” khi nguồn tuyển sinh chỉ dựa vào hai đối tượng là học sinh phân luồng và số học sinh không trúng tuyển vào các trường đại học.

Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - kỹ thuật số 1 trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam mỗi năm có chưa đến 400 chỉ tiêu nhưng khâu tuyển sinh vẫn hết sức khó khăn. Trường thậm chí phải đi xe biển xanh để tăng uy tín khi đến tận nhà thí sinh làm công tác tuyển sinh, nhưng cho đến thời điểm này chỉ tiêu của năm 2017 vẫn chưa hoàn thành.

Ông Trần Ngọc Quang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau gần 4 tháng làm công tác tuyển sinh, nhà trường đã có khoảng 70 học sinh đăng ký vào học. Tuy nhiên, đó là theo lý thuyết còn thực tế có khi chẳng em nào đến làm thủ tục”.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.

Gần 30 năm làm công tác ở Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt - Đức, ông Phạm Trọng Thơ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định: “Đây là thời điểm tuyển sinh khó khăn nhất. Trước đây, đến mùa tuyển sinh, mỗi một ngày phòng đào tạo của nhà trường nhận được vài chục hồ sơ là chuyện bình thường.

Nhưng hiện tại, dù phải “đến từng nhà, rà từng đối tượng” nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn rất “bấp bênh”, nhiều ngành như xây dựng, điện nước, kế toán có năm chỉ tuyển được vài em. Năm nay chúng tôi đã đi tư vấn trên 40 trường THPT nhưng số hồ sơ đăng ký rất hạn hữu, nhiều địa phương như Yên Thành chưa bao giờ chúng tôi tuyển được học sinh”.

Hiện nay, mỗi năm Nghệ An có khoảng 10.000 học sinh phân luồng cấp THCS và gần 10.000 học sinh cấp THPT chỉ xét tuyển tốt nghiệp, nhưng con số vào trường nghề thì rất ít. Theo ông Quang, sở dĩ các trường nghề chưa “tiếp cận” nhiều với đối tượng này, bởi hầu hết sau khi học xong các em chỉ thích đi làm hoặc đi du học vừa học, vừa làm.

Bên cạnh đó, còn bởi cơ chế tuyển dụng chưa hấp dẫn. Hiện rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thích tuyển lao động phổ thông hơn là lao động có tay nghề, bởi có thể linh hoạt trong việc sử dụng lao động và họ chỉ phải trả lương thấp.

Trong khi đó, học sinh học nghề phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo mà lại không được sử dụng đúng tay nghề và trả lương theo trình độ tương xứng.

Khó từ phía học sinh

Năm 2017, Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức đi vào thực tiễn. Đây cũng là năm đầu tiên các cơ sở dạy nghề hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Khác biệt lớn nhất sau sự thay đổi này đó là sau nhiều năm các trường nghề không còn xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, vì không chung hệ thống xét tuyển với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này cũng khiến học sinh lúng túng khi đăng ký tuyển sinh vào các trường nghề, bởi các dữ liệu và thông tin về hệ thống trường nghề rất hạn chế.

Học sinh Lương Văn Huyên - Lớp 12A8 Trường THPT Quế Phong năm nay đăng ký vào trường nghề nhưng ngoài một số trường đến tư vấn tại Trường THPT của Huyên thì em không có một dữ liệu nào khác. Nhiều bạn bè cũng khuyên Huyên lên mạng để tìm nhưng mỗi trường một thông tin khác nhau, Huyên không biết thông tin nào là chính thống, thông tin nào là giả.

Huyên cho biết: "Trước đây thông qua quyển “Những điều cần biết” chúng em có một hệ thống trường nghề để chọn, nhờ đó có đầy đủ các thông tin về ngành, nghề, chỉ tiêu. Hiện tại, cả nước có đến hơn 1.000 trường nghề nhưng càng nhiều chúng em càng bị “nhiễu” khi không có sự định hướng cụ thể.

Quy trình nộp hồ sơ, xét tuyển như thế nào cũng chưa có hướng dẫn. Hiện các trường THPT không thu phiếu đăng ký xét tuyển vào trường nghề, do vậy học sinh phải tự đăng ký, tự nộp hồ sơ. Quá trình đi lại không thuận lợi sẽ càng khiến học sinh không mặn mà với học nghề và tìm con đường khác dễ dàng hơn, nhất là làm sao để nhanh có thu nhập”.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra quan điểm: Luật Giáo dục nghề nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người học. Tuy nhiên, để đón nhận những cơ hội này các trường cũng phải tự vận động, tăng tính tự chủ. Nếu chậm đổi mới thì sẽ thụt lùi, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và về lâu dài sẽ tác động xấu đến uy tín, thương hiệu và công tác tuyển sinh của các nhà trường.

Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP