Không chỉ gắn với những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt trong chiến tranh thống nhất đất nước, vị tư lệnh lâu năm nhất của bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn để lại nhiều dấu ấn với những công trình thế kỷ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.
Trên nhiều cương vị công tác, ngay sau khi hòa bình lập lại và trong quá trình đổi mới đất nước, vẫn với tinh thần khẩn trương, quyết liệt của vị Tư lệnh Trường Sơn, khi ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành tâm sức giải quyết ngay một số vấn đề khó của đất nước thời bấy giờ. Đó là các vấn đề về giá, tiền, lương, xuất nhập khẩu lương thực…
Ông cũng là người xây dựng điều lệ xây dựng cơ bản được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều lệ đã đưa ra được những quy định cơ bản về khoán gọn, khoán sản phẩm, là động lực động viên người lao động hoạt động hiệu quả.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra tuyến đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tuy Đức (Đắk Nông). Đi cùng có Đại tá Trần Văn Phúc - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (bên phải) ngày 9/5/1998. (ảnh chụp từ cuốn Trọn một con đường) |
Chỉ trong một thời gian không lâu, hàng loạt công trình công nghiệp quy mô lớn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế như Nhà máy xi măng Bỉm Sơn Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà Máy xi măng Kiên Lương, nhà máy Xi măng Thuận Châu, công trình xây dựng thế kỷ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã ra đời.
Cầu Chương Dương, cầu lớn đầu tiên của ngành giao thông vượt tiến độ thời gian, bảo đảm kỹ thuật an toàn, tiết kiệm…cũng ra đời trong thời điểm đó, cho thấy sự sát sao, tầm nhìn chiến lược, thực tế của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với sự phát triển của đất nước.
Nói về dấu ấn của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Mạnh Kiểm nhận định: “Đồng chí đã có một tầm nhìn chiến lược rất xa, khi lập và hoạch định những đề án, những quy hoạch về định hướng phát triển ngành trong điều kiện đất nước đang có nhiều khối lượng công việc ngổn ngang và khả năng kinh tế kỹ thuật cũng chưa thật đầy đủ để đáp ứng như mong muốn. Ông có tầm nhìn, vận dụng và chỉ đạo chúng tôi thực hiện theo định hướng chỉ đạo rất cụ thể, thiết thực”.
Nhưng có lẽ tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến con đường Trường Sơn chiến lược trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình.
Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết ông hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Và mục tiêu đeo đuổi con đường chiến lược cho đất nước đã theo ông cho tới cả khi tuổi cao, sức yếu.
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh cho biết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sau này là người cương quyết đề xuất với Đảng, Nhà nước mở đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn, lấy tên là đường Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ Bắc Bó, Cao Bằng vào đến đất mũi Cà Mau, vừa mang tính chất quốc phòng rất lớn nhưng đồng thời cũng là vấn đề an sinh xã hội.
“Khi mở đường Hồ Chí Minh, không có đường đi theo khe núi như đường nhánh Tây bây giờ chỉ có nhánh Đông, thế nhưng đồng chí Đồng Sỹ Nguyên kiên quyết có nhánh phía Tây. Đây cũng là một quyết định táo bạo và kiên quyết” – Thiếu tướng Võ Sở cho biết.
Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường.
Thể theo tâm nguyện của bộ đội Trường Sơn, Trung tướng đã đề nghị đổi tên dự án đường Trường Sơn thành đường Hồ Chí Minh như hiện nay. Cũng với tầm nhìn xa trông rộng, và bằng kinh nghiệm xương máu, thực tiễn trong chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh từ Khe Gát Quảng Bình đến Tây Nguyên. Theo ông, con đường nhánh Tây Trường Sơn có rất nhiều lợi thế trong bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12, kiêm phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn nói, nếu chỉ có nhánh Đông thì khi chiến tranh xảy ra lại bị địch ngăn chặn và đánh tắc ngay như giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ. Do đó phải có đường nhánh Tây, vì đường nhánh Tây tránh được, không có cầu, nếu địch đánh, ta lại làm ngầm. Đó là bài học xương máu của chúng ta trong giai đoạn đánh Mỹ. Nơi đường nhánh Tây đi qua phải vượt qua được tầm pháo hạm ngoài biển bắn vào”.
Đường Hồ Chí Minh ngày nay dọc từ Bắc vào Nam, men theo dãy Trường Sơn ngày nào, từng thấm bao mồ hôi, nước mắt và máu của những chiến sĩ Trường sơn sẽ luôn ghi dấu ấn của vị Tư lệnh Trường Sơn năm nào.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không tự mình viết nên một huyền thoại. Chính chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã đưa tên tuổi ông và những tướng lĩnh, những người lính vận tải vượt ra ngoài khuôn khổ Việt Nam và trở thành kỳ tích trong lịch sử quân sự nước nhà./.
Tác giả: Nguyên Nhung
Nguồn tin: Báo VOV