Tên lửa Long March 2F mang theo Thần Châu 10 rời bệ phóng tháng 6-2013 - Ảnh: AFP
CNN cho biết theo dự kiến tên lửa Long March 2F mang theo phòng thí nghiệm Tiangong 2 hay còn gọi là "Thiên Cung" sẽ rời bệ phóng lúc 22g4 tại Trung tâm Phóng vệ tinh Jiuquan ở sa mạc Gobi.
Các phi hành gia có thể sống và làm việc trong phòng thí nghiệm mới lâu hơn phòng thí nghiệm Tiangong 1 đã được phóng lên vũ trụ năm 2011.
Nhiệm vụ dài nhất của Trung Quốc
Thiên Cung 2 có hai khoang, một khoang dành cho các phi hành gia và có khu vực thí nghiệm, khoang còn lại để chứa dụng cụ.
Nếu vụ phóng thử tối nay thành công, tháng sau Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-11 chở hai phi hành gia lên không gian. Đây là nhiệm vụ có người lái đầu tiên của Trung Quốc từ năm 2013.
Thần Châu-11 kết nối với phòng thí nghiệm Thiên Cung 2. Hai phi hành gia sau đó sẽ tiến hành các nghiên cứu trong vòng 30 ngày tại đây. Cuộc thí nghiệm trên Thiên Cung 2 là nhiệm vụ không gian dài nhất mà Trung Quốc tiến hành cho đến nay.
Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2 là những nguyên mẫu được thiết kế để phục vụ cho mục đích cuối cùng của Trung Quốc: một trạm không gian vĩnh viễn nặng 20 tấn, tương tự như Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Bắc Kinh dự tính phóng trạm không gian trên lên vũ trụ sau năm 2020.
"Thiên Cung là một vật thử nghiệm báo trước các khả năng, xây dựng hướng đến một trạm không gian lớn luôn là mục tiêu của chương trình Thần Châu" - giáo sư trường Chiến tranh hải quân Joan Johnson-Freese chuyên về chương trình không gian và an ninh không gian cho biết.
Cạnh tranh với ISS
Thời điểm dự kiến phóng trạm không gian của Trung Quốc trùng với thời điểm ISS hết thời gian phục vụ. Điều này khiến cho Bắc Kinh có tiềm năng trở thành quốc gia duy nhất có mặt lâu dài ngoài không gian.
Các phi hành gia châu Âu từng nói rằng Trung Quốc đã lường trước việc này.
Kể từ năm 2011, Quốc hội Mỹ cấm NASA liên kết với chương trình không gian của Trung Quốc do lo sợ các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
"Các chính khách Trung Quốc chắc chắn muốn làm việc với Mỹ về không gian, để cho thấy họ là một phần của nhóm các quốc gia trên thế giới có mặt ngoài vũ trụ. Tuy nhiên với trạm không gian dự kiến cùng với việc các đối tác ngoài nước Mỹ của họ đang xếp hàng chờ làm việc cùng thì mong muốn hợp tác với Mỹ sẽ bị giảm nhiệt" - ông Johnson-Freese nói.
Trung Quốc xuất phát khá muộn trong cuộc đua vào không gian. Nước này phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ năm 1970, sau khi Mỹ đưa người đàn ông đầu tiên lên Mặt trăng.
Tuy nhiên trong suốt bốn thập kỷ sau đó, Trung Quốc bơm một lượng tiền khổng lồ và tài nguyên vào công tác nghiên cứu và huấn luyện. Trung Quốc cũng vạch ra những kế hoạch trong tương lai như gởi robot thăm dò lên sao Hỏa và một nhiệm vụ tiềm năng về việc đưa người lên Mặt trăng.
"Nếu Mỹ không thay đổi chính sách sớm và bắt đầu hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, Mỹ sẽ mất đi tác dụng đòn bẩy mà nó có trước các kế hoạch không gian của Trung Quốc trong tương lai" - ông Johnson-Freese nhận định.
Tác giả bài viết: Anh Thư