Thể thao

Trọng tài V-League không thể mãi yếu kém

V-League 2022 có rất nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, điểm yếu trọng tài vẫn còn bị xem là… chí mạng!

1. Càng về cuối giải, sự phản ứng trọng tài càng tăng. HLV nội lẫn ngoại đều chỉ trích các "vua sân cỏ", trọng tài ta lẫn tây đều bị đổ lỗi.

Có chăng, khán giả, HLV, cầu thủ không dám phản ứng mạnh quá với trọng tài ngoại. Dù có sai sót nhưng các trọng tài ngoại được thuê không bị kiện, bị kỷ luật, bị nghi ngờ tư tưởng có vấn đề như "quân ta". "Bụt chùa nhà không thiêng" là vậy.

Vậy nên, trách nhiệm của VFF, VPF, Ban trọng tài, phải làm sao để giúp hình ảnh trọng tài Việt Nam được nâng cấp. Các đội bóng lẫn dư luận tin tưởng về chuyên môn cũng như đạo đức của đội ngũ "vua sân cỏ". Đấy là giải pháp căn cơ, chúng ta không thể năm nào cũng phải thuê trọng tài ngoại về, chỉ để đối phó với dư luận, mục đích chính là để giúp giải đấu hạ cánh an toàn, còn sai sót vẫn như thường.

Bóng đá Việt Nam 5 năm trở lại đây có sự nhảy vọt về mặt thành tích trên cả đấu trường khu vực và châu Á, nhưng sự phát triển về công tác trọng tài dường như lại chưa tỷ lệ thuận với những kết quả này. Cũng chính vì quá ít trọng tài FIFA nên ở các giải đấu tầm cỡ, việc vắng bóng trọng tài Việt Nam gây ra nỗi buồn lớn.

Có thể nhận thấy, trọng tài Việt Nam không được các đội bóng tin tưởng. Không chỉ thế, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Đông Nam Á (AFF) cũng quá ít mời trọng tài chúng ta điều hành các giải trong hệ thống. Chỉ có 2 gương mặt thi thoảng được mời, mà chỉ làm giải trẻ, đấy là Ngô Duy Lân và Nguyễn Trung Hậu. Tương tự, chỉ một giám sát có vinh dự này là Đặng Thanh Hạ.

22 mùa V-League nhưng chất lượng trọng tài vẫn giẫm chân tại chỗ. Đấy là nỗi đau của VFF và bóng đá chuyên nghiệp VN. Ảnh: Ngọc Anh

Số lượng phân bố suất FIFA cho VFF mỗi năm là 6 trọng tài và 8 trợ lý chỉ tính riêng ở nam.

Thế nhưng, trong năm 2022, bóng đá Việt Nam chỉ có 3 trọng tài FIFA, trong đó có một người đạt cấp Elite là ông Ngô Duy Lân (Long An), hai người còn lại là Hoàng Ngọc Hà (Hà Nội) và "người mới" Nguyễn Mạnh Hải (Hải Phòng). Riêng trọng tài Ngô Duy Lân đã một lần bị kỷ luật mùa này. Với số lượng trọng tài FIFA nam khá ít, bóng đá Việt Nam chỉ hơn Brunei (2 trọng tài FIFA), bằng số lượng với bóng đá Lào, Campuchia, Philippines. Thái Lan và Malaysia có 6 người, Singapore và Indonesia có 5 người mỗi liên đoàn.

2. Nhớ lại, mùa giải 2019, VFF có 5 trọng tài FIFA và xếp hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, vị thế này không được duy trì khi 3 trọng tài trong số đó "rớt FIFA" trong kỳ đăng ký 2020 vì chuyên môn. Để giờ đây, VFF thiếu trọng tài FIFA để phân công ở giải VĐQG. Thiếu trọng tài giỏi, thiếu suất trọng tài FIFA là vấn đề mà Ban trọng tài VFF đang phải tìm hướng giải quyết nhằm nâng chất lượng các trận đấu trong nước. Nhiều trọng tài giỏi đồng nghĩa với sai sót càng ít.

Điều đó cho thấy, cái nền của trọng tài chúng ta rất có vấn đề, dù đã 22 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Hiện nay, Ban trọng tài gồm có 5 người, đều là những cựu trọng tài xuất sắc một thời. Ông Dương Văn Hiền (cựu còi vàng, trưởng ban), Võ Minh Trí (cựu còi vàng, phó ban), Đặng Thanh Hạ, Trần Khánh Hưng, Nguyễn Tấn Hiền (ủy viên). Khó có thể trách họ bởi nhiệm kỳ chỉ 5 năm. Cũng khó tìm người thay thế xứng đáng hơn bởi người làm công tác quản lý, điều hành trọng tài ở ta hiện quá hiếm.

Cho nên, VFF cần phải quyết liệt hơn trong việc cải tổ chất lượng, số lượng đội ngũ "cầm cân, nảy mực" hiện nay. Đấy còn là yêu cầu bức thiết, chính đáng của khán giả chân chính, của các CLB hiện nay. Bởi lúc này, V-League đã có những chỉ dấu rất tích cực từ chuyên môn, lượng khán giả đến sân, nhà tài trợ đồng hành, giá trị bản quyền truyền hình. Ngoài cách mạng khâu đào tạo trọng tài trẻ, chủ trương mở học viện đào tạo trọng tài cần được quan tâm thấu đáo. Chỉ khi công tác trọng tài tốt lên, thì mới có thể nói đến chuyện phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

Tác giả: Trần Tuấn

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn

  Từ khóa: yếu kém ,V-League ,trọng tài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP