Gần 10 năm nay, kể từ khi Dự án Khu đô thị mới Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh được Công ty Cổ phần xây dựng số 9 đầu tư xây dựng rồi phân lô bán nền, cửa ngõ phía Đông Bắc của TP. Vinh đã khoác trên mình diện mão mới. Cùng với đó, khi đại lộ Lê Nin nối từ sân bay quốc tế Vinh vào trung tâm TP. Vinh, dọc dài tuyến đường này đang tồn tại các dãy “chuồng cọp” rộng hàng chục m2 án ngự hành lang vỉa hè.
Tình trạng xây dựng kiên cố lấn chiếm hành lang ATGT tại Đại lộ Lê Nin diễn ra từ nhiều năm nay |
“Từ gần 10 năm nay, dãy nhà bám mặt đường đại lộ Lê Nin thuộc khu đô thị của Công ty CP Xây dựng số 9 người ta đua nhau xây lấn vỉa hè để làm nơi đỗ ô tô, kho hàng, tạp hoá… Từ một hộ làm rồi người ta đua nhau xây dựng mà cơ quan chức năng không xử lý khiến toàn bộ hành lang vỉa hè dài hàng trăm mét bị lấn chiếm ra phía lòng đường. Người dân muốn đi bộ cũng phải luồn lách mới qua được” – một người dân ở xã Nghi Phú, TP. Vinh, phản ánh.
Trường mầm non Montesori cơ sở 2 xây lấn ra vài mét |
Theo quan sát của phóng viên, những “chuồng cọp” được xây dựng trên hành lang vỉa hè đại lộ Lê Nin được người dân ở đây gia cố bằng sắt thép, mái tôn, cổng gạch, bê tông hết sức kiên cố.
Được biết, để sở hữu các lô đất thuộc Khu liền kề Công ty CP Xây dựng số 9 thì chỉ có các “đại gia” mới đủ năng lực tài chính để mua được vì giá các lô đất theo giá thị trường như hiện nay có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Chính vì vậy, hầu hết các “chuồng cọp” đang tồn tại trên hành lang vỉa hè đại lộ Lê Nin đều là nơi hoạt động của các công ty, doanh nghiệp.
Các dãy nhà kéo dài hàng trăm mét tại Đại lộ Lê Nin thuộc Dự án Khu đô thị mới Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh bị xây lấn chiếm hành lang ATGT |
Họ đã biến phần đất đáng lẽ dành cho người đi bộ trở thành nơi sử dụng của chính cơ quan, gia đình mình. Có thể kể đến những đơn vị “điển hình” xây dựng “chuồng cọp” kiên cố chiếm giữ hành lang vỉa hè tại các lô đất mặt tiền Đại lộ Lê Nin thuộc Dự án Khu đô thị mới Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh như Vật tư Y tế Lan Quán; Sàn Bất động sản Trường An; Trung tâm bấm huyệt cổ truyền Phú Nguyên An; Công ty CP Dược thiết bị Y tế Bình Định – Chi nhánh Nghệ An; Khách sạn Gia Hưng.
Hay một số Trường mầm non như Trường mầm non Happy Fingers; Trường mầm non Happy Hands; Trường mầm non Montesori cơ sở 2 và một số đơn vị khác như Công ty CP phát triển cao su Nghệ An; Công ty CP tư vấn xây dựng Công trình 8; Công ty TNHH YAKULT Việt Nam; Queen – Beuty&Spa…
Đồ đạc cũng được bày bán ở hành lang |
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi là tại sao những lô đất lấn chiếm như vậy có thể tồn tại trong suốt thời gian dài mà không hề bị các cơ quan chức năng xử lý, tháo gỡ? Trong khi đó, cũng trên tuyến đường này kéo dài tới đại lộ 3/2, ngươi dân chấp hành rất nghiêm chỉnh việc đảm bảo hành lang vỉa hè thông thoáng.
Tình trạng lấn chiế hành lang ATGT khiến người dân bức xúc |
Theo Phòng quản lý đô thị TP. Vinh thì tình trạng các “chuồng cọp” đang tồn tại hiện nay trên hành lang đại lộ Lê Nin là có thật. Nguyên nhân là do trong quá trình mua bán, giao dịch thì chủ đầu tư đã cấp bán cả phần đất hành lang đại lộ Lê Nin. Vì vậy, người dân đã xây dựng lên cả phần đất hành lang vỉa hè. Các cơ quan ban ngành cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp để xử lý, bàn phương án tháo gỡ nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được.
Để làm rõ thêm thông tin, trong những ngày qua PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo. Công ty CP Xây dựng số 9 nhưng không được hồi âm.
Các lực lượng chức năng cần phải vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT trên Đại lộ Lê Nin |
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời gian qua các lực lực lượng chức năng cũng đã không ít lần ra quân để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn TP. Vinh.
Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT vẫn còn tồn tại dọc các tuyến đường trên địa bàn Tp Vinh vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, ở một số tuyến đường lớn như Đại lộ Lê Nin, Nguyễn Du, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc.
Tác giả: Phạm Tuân - Thành Vinh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường