Trong tỉnh

TP. Vinh chỉ có 3 cơ sở và 1 bệnh viện được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ

Theo thống kê của Phòng Y tế thành phố Vinh, đến tháng 6/2017, trên địa bàn thành phố có khoảng 20 cơ sở chuyên thẩm mỹ, spa, làm đẹp... Điều đáng nói, trong số này chỉ có vài cơ sở có giấy phép của Sở Y tế; hầu hết những cơ sở còn lại đều thực hiện các dịch vụ không có trong danh mục được cấp phép.

Nở rộ cơ sở thẩm mỹ

Thời gian gần đây, giới trẻ thành phố Vinh rỉ tai nhau về dịch vụ làm đẹp tại cơ sở Y.L. trên đường Phan Chu Trinh, vừa nhanh, rẻ lại hiệu quả. Tiếp cận cơ sở này, đó là căn phòng chật hẹp với hai chiếc sô pha kê sát nhau, được lý giải là chỗ dành cho khách phun xăm. Tìm hiểu được biết, chủ cơ sở này trước đây kinh doanh thời trang mới chuyển qua thẩm mỹ viện. Nhân viên cơ sở này cho biết, vì đây là cơ sở chuyên làm da phun xăm môi, mày, mắt nên không cần giấy phép hoạt động, nhân viên chỉ cần lành nghề là đủ, không cần có chứng chỉ này kia “vì thực tế đầy nơi mua chứng chỉ giả”.

Dụng cụ phun xăm tại một cơ sở làm đẹp không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thanh Sơn


Cách cơ sở Y.L. trên đường Phan Chu Trinh là cơ sở C.A. được quảng cáo là địa chỉ uy tín trong các dịch vụ chăm sóc da. Theo đó, cơ sở C.A. hợp đồng thường xuyên với bác sỹ da liễu chuyên khoa thẩm mỹ có tiếng tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong các gói dịch vụ về làm trắng, trẻ hoá, tẩy lông, nâng mũi, độn cằm bằng chất làm đầy Filler...

Khi hỏi về giấy phép hoạt động thẩm mỹ, chủ cửa hàng ở đây cho biết: “Chỉ cần đăng ký kinh doanh phòng khám thẩm mỹ là có thể được phép triển khai các gói dịch vụ này vì đây là những dịch vụ không phải gây mê, không gây chảy máu, nên các nguy cơ về nhiễm trùng khó xảy ra!”.

Nhận thức pháp luật hạn chế, chạy theo mục đích lợi nhuận, không ít cơ sở thẩm mỹ trái phép hiện nay đã gây nên nhiều hậu quả khôn lường cho sức khoẻ của khách hàng. Đã có nhiều trường hợp bỏ hàng chục triệu đồng để làm đầy sống mũi, đẹp đâu chưa thấy nhưng đã bị sưng phù, mũi biến dạng phải đi hút dịch; hoặc nhấn mí, phun mi khiến mắt sưng phồng, đau nhức, ảnh hưởng đến thị lực...

Không phát hiện sai phạm khi kiểm tra?

Việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 70 triệu đồng theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ- CP ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Tuy nhiên, việc xử phạt đối với các cơ sở thẩm mỹ hầu như chưa được thực hiện vì qua các đợt thanh kiểm tra của ngành đều không “bắt được tận tay, day tận trán”.

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đoàn liên ngành do phòng Y tế thành phố chủ trì đã có đợt thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, trong đó chú trọng đến các cơ sở làm đẹp, spa, phun xăm thẩm mỹ...

Theo ông Hồ Sỹ Nam - Trưởng phòng Y tế thành phố Vinh: “Đa số các cơ sở đều có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp và trong giấy phép đều có đăng ký hạng mục kinh doanh là những hoạt động không xâm lấn (không sử dụng kim tiêm, không thực hiện các tiểu phẫu) và khi tiến hành kiểm tra, đoàn không ghi nhận được ca nào có sử dụng kim tiêm đang thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ, nên chúng tôi không có căn cứ để xử phạt”.

Chăm sóc da mặt tại Trung tâm thẩm mỹ ASC. Ảnh: Thanh Nga


Ông Nam cho biết, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 3 cơ sở và 1 bệnh viện được cấp giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ, có đủ điều kiện để thực hiện các tiểu phẫu và các xâm lấn cơ thể không gây mê. Vì thế, các cơ sở còn lại chưa được cấp phép.

“Tuy nhiên việc kiểm tra hoạt động này rất khó khăn vì mới đây theo Chỉ thị số 06/ CT - UBND của UBND tỉnh ngày 19/02/2016 về chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra thì đoàn liên ngành không tiến hành kiểm tra quá một lần về cùng một nội dung tại một doanh nghiệp. Vì thế việc thanh kiểm tra chỉ được thực hiện mỗi năm một lần nếu không có sự cố xảy ra”- ông Nam cho hay.

Khó khăn nữa trong công tác kiểm tra, xử phạt là theo quy định, khi kiểm tra họ phải đang hoạt động trên máy chủ nên dù biết có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo các hoạt động tiểu phẫu làm đẹp, nhưng ngành chức năng không đủ điều kiện để xử phạt.

Mới đây nhất, Nghị định 109/2016/NĐ - CP về quy định cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hành nghề cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tại Khoản 1 Điều 37 về điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, có nêu: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm phun thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Vì thế cũng theo ông Hồ Sỹ Nam - Trưởng phòng Y tế thành phố Vinh thì theo quy định này nhiều cơ sở thẩm mỹ có quyền từ chối việc thanh kiểm tra khi bảng đăng ký trùng khớp với hoạt động của họ, có nghĩa là không sử dụng kim tiêm trong dịch vụ phun thêu mi, mày, môi...

Vậy nên, nhiều cơ sở sẽ “lách” để làm các dịch vụ chuyền trắng, trẻ hoá mặt bằng tia laze, RS... hoặc làm các dịch vụ tiểu phẫu như nhấn mí, cắt mí, nâng mũi hay có thể là cả những cuộc đại phẫu như hút mỡ bụng, nâng ngực... Hậu quả khôn lường đang hiển hiện nếu công tác thanh kiểm tra bị buông lỏng.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP