Cụ thể, phương án đầu tăng từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng (tăng 5%); hai là tăng từ 160.000 đồng đến 220.000 đồng (tăng 6%); và phương án cuối tăng 180.000 đồng đến 250.000 đồng (tăng 6,8%).
Tại cuộc họp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - đại diện người lao động, đề xuất mức tăng tuyệt đối 370.000 đồng đến 450.000 đồng, tương ứng mức tăng 13,3%. Do nhiều chỉ số kinh tế được công bố vừa qua có tín hiệu khả quan, như số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, lao động thất nghiệp thấp hơn các năm trước, lạm phát được khống chế... Trong khi đó mức lương tối thiểu hiện chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ sử dụng lao động lại không nghĩ vậy. VCCI đưa ra không tăng lương tối thiểu năm 2018, hoặc mức tăng từ 2-4%% mới hợp lý. Do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp.
Phản hồi lại đề xuất mức dưới 5% của VCCI, Tổng Liên đoàn cho rằng, mức tăng đó chỉ đủ bù trượt giá, tức lương không tăng. Trong khi lương tối thiểu vùng dù được điều chỉnh tăng hàng năm vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Sau thảo luận, các bên thống nhất mức tăng lương cần hài hòa lợi ích, vừa giải quyết khó khăn của người lao động, vừa phù hợp khả năng của doanh nghiệp để nâng sức cạnh tranh. Vì vậy, mức tăng cụ thể sẽ được Hội đồng bàn thảo thêm ở các phiên họp tiếp theo.
Trước đó, từ 1/1/2017 mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng bình quân 7,3% so với năm 2016. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 năm 2017 sẽ lên mức 3,75 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng/tháng so với năm 2016 ); vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); vùng 3 tăng 2,9 triệu đồng (tăng 200 nghìn đồng); vùng 4 là 2,58 triệu đồng (tăng 180 nghìn đồng).
Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của người lao động.
Tác giả bài viết: Lê Hữu Việt
Nguồn tin: