* Ông đánh giá như thế nào về việc các đội bóng sử dụng cầu thủ trẻ ở giai đoạn 1 mùa giải 2017?
- Tùy từng đội bóng mà họ có chiến lược sử dụng cầu thủ trẻ khác nhau. Tuy vậy, có tín hiệu đáng mừng là nhiều cầu thủ trẻ được thi đấu giai đoạn 1 vừa qua ở V-League cũng như hạng Nhất.
* Thế còn dấu ấn chuyên môn của các cầu thủ trẻ thì sao, thưa ông?
- Một số cầu thủ nổi trội, có dấu ấn tốt như Quang Hải (Hà Nội). Dù trẻ, thể hình không tốt nhưng rất tự tin, khéo léo, tư duy chiến thuật cũng như khả năng sút phạt, dứt điểm tốt. Hay như Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), dù không có phong độ ổn định nhưng có một số trận thi đấu rất nổi bật. Nhiều cầu thủ trẻ HAGL đá chững chạc hơn.
* Cầu thủ trẻ được sử dụng nhiều hơn nói lên điều gì? Do công tác đào tạo trẻ tốt lên hay khó khăn về kinh tế để giảm thiểu nguồn chi?
- Có hai xu hướng hiện tại. Những đội đầu tư lớn thì mua cầu thủ trưởng thành, có thương hiệu để lấy thành tích như FLC Thanh Hóa chẳng hạn. Một số đội bóng sử dụng cầu thủ trẻ theo mục đích của họ chứ không bằng mọi giá để vô địch. Chẳng hạn như SLNA, S.Khánh Hòa, HAGL… Họ không đặt nặng chức vô địch mà làm sao để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu. Mỗi CLB có mục tiêu, chiến lược riêng để sử dụng cầu thủ trẻ.
* Ông nghĩ sao khi sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, đồng nghĩa với khả năng sẽ khó có thành tích cao?
- SLNA với tài chính vừa phải thì sử dụng tất cả cầu thủ trẻ địa phương. Hay như HAGL dù cho các cầu thủ đến từ nhiều địa phương nhưng họ gây dựng nên bản sắc riêng về lối đá của mình. Còn CLB muốn vô địch hay giành thứ hạng cao thì họ có chiến lược riêng. Chẳng hạn như Hà Nội, họ chỉ đưa vào số lượng cầu thủ trẻ nhất định để kết hợp với các cựu binh cũng như ngoại binh chất lượng.
Nếu có cách làm đúng, theo kiểu xen kẽ thì chuyện thành tích cũng là bình thường. Như Hà Nội vô địch nhờ chiến lược sử dụng trẻ của mình, còn HAGL dù đào tạo chính quy, cơ chế đặc biệt theo kiểu quốc tế song thành tích thì chưa có. Không thể đưa một loạt cầu thủ trẻ lên rồi đòi hỏi có thành tích ngay được. Một đội bóng có thành tích cao thường kết hợp 3 yếu tố: Có cựu binh chất lượng, giàu kinh nghiệm; ngoại binh sáng giá và có lớp trẻ kế thừa, thi đấu tốt.
Đa dạng mô hình đào tạo trẻ là dấu hiệu tốt
* Theo ông, đâu là mô hình đào tạo trẻ ưu việt ở Việt Nam?
- Mỗi nơi có đặc thù riêng. Còn nếu để làm mẫu thì HAGL cũng là mô hình tốt. Tuy thành tích chưa cao nhưng họ được đầu tư rất bài bản, từ tuyển sinh đến chương trình huấn luyện cùng vấn đề tài chính rất khủng.
PVF dù không có đội bóng tham dự chuyên nghiệp nhưng đào tạo trẻ rất ổn. Họ có sự đầu tư cao, chế độ cho HLV và cầu thủ gấp mấy lần những nơi khác. Họ cũng tuyển sinh rộng rãi khắp cả nước và cũng có những cơ chế đặc biệt riêng.
Viettel lại là trung tâm đào tạo trẻ có mô hình cơ sở vật chất hàng đầu toàn quốc. Công tác đào tạo trẻ gặt hái nhiều thành công và có nhiều vệ tinh xung quanh để phát triển. Bên cạnh đó, các đội bóng của bầu Hiển có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, mở nhiều vệ tinh. Họ còn hợp tác với Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội để tìm kiếm và đào tạo.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nhiều nơi vẫn còn học cách đào tạo của SLNA Nói đến công tác đào tạo trẻ thì phải nhắc đến SLNA. Ông Thanh cười ý nhị: “Nói thật, nhiều địa phương vẫn học theo cách đào tạo của SLNA. SLNA vẫn giữ được đào tạo có hệ thống dù tài chính có hạn chế. Hệ thống chân rết ở 17 huyện, thành phố đều có lớp đào tạo bóng đá nghiệp dư ở độ tuổi 9, 10. Bên cạnh đó, SLNA có gần 180 cầu thủ ở tất cả các lứa từ U11 đến U21. So với 62 tỉnh thành còn lại thì SLNA giữ được bản sắc đào tạo nên cầu thủ SLNA không bao giờ hết. Lứa này trưởng thành rồi đi các đội khác thì đã có lứa khác thay thế, đảm đương được vị trí đàn anh để lại. SLNA là đội duy nhất ở Việt Nam có bản sắc địa phương cao. Đây là sự khác biệt, đặc thù của SLNA. Ở Hàn Quốc hay một số nước thì bản sắc địa phương rất quan trọng. Chúng tôi làm được điều đó trong điều kiện kinh tế chưa bằng 1 nửa các trung tâm khác. Đây chính là sự ưu việt của SLNA. |
Nguồn: Theo Thể thao & Văn hóa