Giáo dục

Tốn hàng chục tỷ đồng cho chứng chỉ nhận xong... cất tủ

Mỗi sinh viên đại học, cao đẳng ra trường được cấp Chứng chỉ Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng. Hai chứng chỉ này không bao giờ dùng đến nhưng đang ngốn khoảng 30 tỷ đồng/năm. Bộ GD&ÐT khẳng định, một trong hai loại chứng chỉ này không bắt buộc.

Ảnh: Minh họa


Theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy hiện hành (ban hành theo quyết định số 25/2006/QĐ - BGDĐT), điều kiện xét tốt nghiệp cho sinh viên là phải hoàn thành bộ môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và được cấp chứng chỉ hai môn học này (Điều 17 của quyết định này). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp riêng từng chứng chỉ như vậy là gây lãng phí.

Nhiều sinh viên đại học sau khi ra trường đều khẳng định từ khi ra trường, hai chứng chỉ này vẫn nguyên vẹn trong hồ sơ mà chưa một lần sử dụng đến. Hiện nay, lệ phí để được cấp chứng chỉ này các trường có mức thu rất khác nhau. Đại học Quốc gia thu mỗi sinh viên 20.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM công bố thu 50.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất. Chi phí cấp chứng chỉ với mỗi sinh viên không lớn nhưng công sức bỏ ra không nhỏ.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm, cả nước có khoảng 500 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (năm học 2015 - 2016 là 503.640 sinh viên; năm 2016 - 2017 là 305.601 sinh viên). Làm phép tính đơn giản, với chi phí trung bình khoảng 30 nghìn mỗi chứng chỉ, mỗi năm, toàn bộ sinh viên trên cả nước phải chi phí cho hai loại chứng chỉ này trên 30 tỷ đồng.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà, Cty Luật TNHH IMC cho rằng, ai cũng hiểu việc hoàn thành khóa học quốc phòng, thể chất là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với sinh viên xét tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vì thế, nên ngầm hiểu rằng, khi đã tốt nghiệp đại học thì đồng nghĩa việc sinh viên đã hoàn thành đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu. Nếu kỹ càng hơn, ngành giáo dục nên gộp hai chứng chỉ này vào bằng tốt nghiệp đại học. “Việc cấp chứng chỉ này là lãng phí, máy móc thậm chí nhiêu khê. Về mặt pháp lý, chứng chỉ này thì không phải là bằng cấp, cũng không là điều kiện khi đi xin việc, mà đơn giản chỉ là yêu cầu của ngành giáo dục để các trường xét tốt nghiệp. Rõ ràng, đã tốt nghiệp thì đã hoàn thành khóa học, đủ sức khỏe để lao động hoặc khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp, có chiến tranh họ đủ điều kiện để tham gia chiến đấu”, luật sư Hà nói.

Cục Quản lý chất lượng (đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT vừa được phân cấp quản lý mảng văn bằng chứng chỉ) đã có văn bản trả lời Tiền Phong. Cục này khẳng định: “Quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT không bắt buộc cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ giáo dục thể chất cho sinh viên”. Như vậy, có thể hiểu, việc cấp bằng giáo dục thể chất gây lãng phí là việc làm của các đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, Điều 17 Quyết định số 25/2006/QĐ - BGDĐT (Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy) nêu rõ, một trong các điều kiện xét tốt nghiệp, có điều khoản: “Có các chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục thể thao”.

Về chứng chỉ giáo dục quốc phòng, Cục Quản lý Chất lượng cho biết đang thực hiện cấp chứng chỉ theo Nghị định giáo dục Quốc phòng - An ninh của Chính phủ (Nghị định 116/2007/NĐ - CP). Tuy nhiên, Cục cũng cảm ơn báo Tiền Phong với đề xuất cải cách trong việc cấp chứng chỉ này và sẽ “đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ”.

Tác giả: SỸ LỰC - LONG VÂN

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP