Tòa cũng kết luận rằng, không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.
Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, hiện bị Đài Loan chiếm đóng trái phép, cũng không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Trong phán quyết, tòa cũng tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines. Phán quyết còn nói Trung Quốc đã "gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường các rạn san hô" khi xây dựng các đảo nhân tạo.
Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines.
Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.
Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.
Tháng 1/2013, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền quá đáng ở Biển Đông, nói rằng Manila phải dùng cách này sau khi mọi biện pháp chính trị và ngoại giao với Trung Quốc trong 17 năm qua không mang lại kết quả. Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Hay, Hà Lan đóng vai trò thụ lý vụ kiện, trong khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được chọn làm ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện.
Giận dữ với động thái của Philippines, Bắc Kinh tuyên bố không tham gia phiên tòa và khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết với lập luận rằng Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không có quyền phân xử về vụ việc.
Phiên xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được coi là vụ kiện thế kỷ bởi đây là lần đầu tiên một quốc gia có động thái, nỗ lực dùng biện pháp pháp lý để giải quyết những bất đồng ở Biển Đông. Theo đó, các nước đều hy vọng tòa có thể đưa ra lời giải thích về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển. Hơn nữa, vụ kiện này chưa có tiền lệ vì yêu sách đường lưỡi bò là hy hữu.
Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật Quốc tế, Học Viện Ngoại giao Việt Nam, cũng cho rằng, phán quyết của tòa không giải quyết hoàn toàn tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ giúp thu hẹp lại, sáng tỏ thêm một số nội dung tranh chấp bởi không có bất kỳ vấn đề nào Philippines đưa ra liên quan đến chủ quyền, hơn nữa tòa cũng không có thẩm quyền xét xử vì nằm ngoài phạm vi giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển 1982.
Giới hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế đã đưa ra không ít bình luận phán đoán phản ứng của Trung Quốc trước và sau phán quyết. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả lại phán quyết bằng việc trắng trợn tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không hoặc tăng cường các hoạt động cải tạo, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng của Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia và kiêm biên tập cấp cao của tạp chí National Interest, cũng đặt ra một giả thiết rằng, Trung Quốc có thể sẽ hung hăng hơn ở nhiều vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng sự chú ý của châu Á nói riêng và thế giới khỏi vấn đề Biển Đông. Theo chuyên gia này, cho dù là kịch bản nào thì châu Á cũng cần chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó.
Cùng chung quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, dù phán quyết theo hướng nào thì nhiều khả năng Trung Quốc vẫn có những động thái leo thang căng thẳng trên thực địa, do đó Việt Nam cần có sự chuẩn bị phù hợp để ứng phó.
Tác giả bài viết: Minh Phương-An Bình