Trong tỉnh

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2023. Các đồng chí: Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Công tác Tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực

Năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương hoặc các nhiệm vụ đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý được ngành Tư pháp thực hiện chủ động với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”.

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản thuộc trách nhiệm của ngành, Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Theo thống kê, toàn ngành đã tập trung rà soát được 27.830 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý đối với 5.729 văn bản (tăng 2,7% so với năm 2021).

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Năm 2022, cả nước đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 2 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong năm, các Hòa giải viên đã tiếp nhận 99.624 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 81,85% (cao hơn 1,62% so với năm 2021).

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021. Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 538.630 việc, tăng 44.659 việc, đạt tỉ lệ 82,51%, tương ứng với hơn 75.035 tỷ, tăng hơn 29.330 tỷ, đạt tỉ lệ 45,54% (tăng 14,50% so với cùng kỳ năm 2021).

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác trợ giúp pháp luật có nhiều dấu ấn nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ về trợ giúp pháp luật được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấu ấn quan trọng.

Quang cảnh điểm cầu Trung ương. Ảnh Bộ Tư pháp

Năm 2023, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án 06; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp...

Nghệ An sẽ quyết liệt triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và đăng ký hộ tịch trực tuyến theo Đề án 06

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành báo cáo chuyên đề về: Xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và giải pháp thực hiện; chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023; phát huy vai trò của công tác trợ giúp pháp lý và sự vào cuộc của chính quyền, tư pháp địa phương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Đóng góp vào kết quả chung của tỉnh, ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An đã tập trung cao nhất các nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong năm, Nghệ An vinh dự được Bộ Tư pháp lựa chọn để thực hiện hai hoạt động lớn là Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác tư pháp và pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào và Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ V. Nghệ An cũng là một trong 03 đơn vị điểm của cả nước được lựa chọn để tổ chức Lễ hưởng ứng 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11. Các hoạt động được được Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và đông đảo quần chúng Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, năm 2022, lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp đã tiếp nhận số hồ sơ đăng ký tăng đột biến hơn 200% so với năm 2021; trong điều kiện số lượng cán bộ công chức vẫn giữ nguyên, việc đạt tỷ lệ số lượng phiếu cấp đúng hạn 92% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Kinh phí công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, việc xã hội hóa trong phổ biến giáo dục pháp luật còn khó khăn...

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Năm 2023, Nghệ An tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác tư pháp; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng tới tính dự báo, tính khả thi của các chính sách. Quyết liệt triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và đăng ký hộ tịch trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo tính toàn diện đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, lấy người dân làm trung tâm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, nhằm đảm bảo mục tiêu xã hội hóa, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức bổ trợ tư pháp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực Tư pháp, xây dựng các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở là đơn vị đi đầu trong thực hiện dịch vụ công, góp phần tăng thu ngân sách, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.

Cần kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời đầy đủ, đồng bộ và chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ; tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp và giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này. Tiếp tục rà soát đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dân. Chú trọng thanh tra, kiểm tra liên ngành kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nghiên cứu tham mưu hoàn thiện cơ chế về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất; ngăn ngừa các vụ kiện cáo, tranh chấp quốc tế…

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP