Trong nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng'

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng Anh (ảnh Nhật Bắc)

Báo cáo tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), sáng 12/9, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm dừng hoạt động khiến nhiều trang thiết bị, nhất là thiết bị điện hư hỏng không được kiểm tra, khắc phục, khi hoạt động trở lại dẫn đến sự cố cháy nổ.

Bên cạnh đó, có nhiều sự cố phát sinh do bất cẩn khi cải tạo, sửa chữa, nhất là việc hàn, cắt kim loại; ngoài ra, việc lắp đặt các biển quảng cáo không đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC cũng là một trong các nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh đến nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ “kinh hoàng” là thợ hàn. “Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”, ông An nói.

Thậm chí, theo ông, có những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công phòng cháy chữa cháy tòa nhà EVN cũng chính là lực lượng gây cháy tòa nhà. “Đó là câu chuyện hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn”, ông An phân tích.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thì cho biết, các quán karaoke, vũ trường hiện nay chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ như quy định về 2 lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ. Trong khi đó, quy định về vật liệu, trang trí phải bảo đảm không cháy, quy định về an toàn điện như thế nhưng lại phụ thuộc vào nguồn điện đấu nối… Rồi quy định về khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh, nhiều lúc nhà dân xen kẹt ở giữa, các nhà liền nhau, các cơ sở lại không bảo đảm được.

“Khi xin cấp phép, họ xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke. Sau đó, họ lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke nhưng cũng không xin phép nên bước đầu tiên rất dễ bị bỏ qua. Rồi ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên thì không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý”, ông Hùng chỉ rõ..

Từ những nguyên nhân trên, ông Hùng cho rằng phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh.

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP