Một chiếc ô tô mới khi rời đại lý thường được kỳ vọng có thể vận hành bền bỉ trong nhiều năm, thậm chí đạt hơn 160.000 km (tương đương 100.000 dặm).
Hình minh họa các cảnh báo trên bảng táp-lô. Ảnh: Slash Gear |
Trên thực tế, các mẫu xe hiện đại đều được thiết kế để đảm bảo độ bền và tuổi thọ dài lâu. Tuy nhiên, để duy trì hiệu suất tốt trong suốt quãng đường dài, ngoài việc bảo dưỡng định kỳ, người lái còn cần tránh những thói quen có thể khiến xe nhanh xuống cấp.
Lơ là bảo dưỡng định kỳ
Bảo dưỡng là yếu tố then chốt giúp xe duy trì độ bền và tránh các hỏng hóc nghiêm trọng. Hãng sản xuất luôn cung cấp lịch trình bảo dưỡng cụ thể, bao gồm thay dầu nhớt, kiểm tra lọc gió động cơ, đảo lốp, cân chỉnh bánh xe, vệ sinh hệ thống làm mát …
Việc bỏ qua những hạng mục này có thể dẫn đến động cơ quá nhiệt, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn hoặc các sự cố nghiêm trọng khác. Nếu không tự thực hiện tại nhà, chủ xe nên tìm đến các trung tâm dịch vụ uy tín để đảm bảo xe luôn trong trạng thái tốt nhất.
Độ xe sai cách hoặc sử dụng phụ kiện trái phép
Việc nâng cấp công suất động cơ bằng cách lắp bộ tăng áp, lọc gió hiệu suất cao hay thay đổi hệ thống ống xả có thể giúp xe mạnh mẽ hơn, nhưng nếu thực hiện sai cách sẽ gây hại nhiều hơn lợi.
Những người không có kinh nghiệm thường mắc sai lầm khi can thiệp vào kết cấu động cơ mà không tính toán đến khả năng chịu tải của xe, dẫn đến hư hỏng nặng. Ngoài ra, việc tháo bỏ các bộ phận kiểm soát khí thải hay lắp đặt hệ thống xả không đạt chuẩn có thể khiến xe vi phạm quy định, đồng thời ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ.
Bỏ qua cảnh báo trên bảng táp-lô
Các mẫu xe hiện đại được trang bị hệ thống cảnh báo thông minh nhằm phát hiện những vấn đề liên quan đến động cơ, hệ thống phanh, áp suất lốp... Một trong những đèn cảnh báo phổ biến nhất là đèn "Check Engine", báo hiệu lỗi trong hệ thống vận hành.
Nếu bỏ qua cảnh báo này mà không kiểm tra kịp thời, chủ xe có thể đối mặt với những hư hỏng nghiêm trọng và chi phí sửa chữa cao. Bên cạnh đó, các đèn cảnh báo về áp suất dầu, phanh ABS hay áp suất lốp cũng không nên bị xem nhẹ.
Thói quen lái xe ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ
Cách vận hành xe cũng ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của động cơ. Việc tăng tốc đột ngột, phanh gấp hay chạy xe quá tốc độ không chỉ làm giảm độ bền máy móc mà còn khiến xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn.
Ngoài ra, việc thường xuyên di chuyển quãng đường ngắn hoặc lái xe trong điều kiện ùn tắc kéo dài cũng gây hại cho động cơ, vì xe không có đủ thời gian để đạt nhiệt độ vận hành tối ưu, dễ dẫn đến hiện tượng dầu loãng và mài mòn chi tiết máy.
Bỏ qua dấu hiệu cảnh báo từ xe
Ngoài đèn báo trên bảng táp-lô, xe còn có nhiều cách "lên tiếng" khi gặp sự cố, chẳng hạn như tiếng kêu lạ, mùi khét hoặc rung lắc bất thường. Nếu xe phát ra âm thanh lạ như rít, cọt kẹt hoặc gõ lách cách, đó có thể là dấu hiệu của dây curoa bị mòn, lỗi hệ thống phanh hoặc hỏng hóc trong động cơ.
Những mùi khó chịu như xăng sống, cao su cháy hay ẩm mốc cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng. Nếu bỏ qua những tín hiệu này, chủ xe có thể phải đối mặt với các hỏng hóc nặng và chi phí sửa chữa lớn.
Để một chiếc xe vận hành ổn định đến mốc 160.000 km, ngoài việc bảo dưỡng định kỳ, chủ xe cũng cần xây dựng thói quen lái xe đúng cách và chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo từ phương tiện. Việc duy trì những thói quen tốt không chỉ giúp xe bền hơn mà còn đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí sửa chữa trong dài hạn.