Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết, chảo chống dính là vật dụng quen thuộc trong gian bếp mỗi gia đình, song chất chống dính trong chảo không tốt cho sức khỏe, nhất là khi nấu ở nhiệt độ cao. Chất chống dính bị bong tróc lẫn vào thức ăn vừa làm mất đi chất dinh dưỡng, vừa rước bệnh vào người.
Theo nghiên cứu, chất chống dính như teflon có nguồn gốc từ polyme Polytetrafluoroethylene PTFE, ở nhiệt độ bình thường thì không có hại. Tuy nhiên, khi đốt nóng 300-500oC thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói chứa các Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride. Đây là những chất độc làm con người tức ngực, khó thở, có thể gây ung thư và sảy thai.
Sai lầm khi dùng chảo chống dính
Rửa chảo ngay sau khi nấu
Sau khi nấu, chảo còn nóng không nên rửa ngay sẽ làm hỏng chảo, lâu dần mất đi lớp chống dính. Hãy chờ chảo nguội hẳn rồi mới bắt đầu rửa sạch.
Dùng bàn chải, cọ sắt để rửa chảo
Nên dùng những cọ mềm để sạch rửa chảo chống dính. |
Dùng bàn chải hay cọ sắt rửa chảo sẽ làm bong tróc chất chống dính. Lớp chống dính có thể chưa tróc ngay mà bong trong khi đang nấu nướng, lẫn vào thức ăn vô cùng nguy hiểm. Nên ngâm chảo cho ra hết lớp dầu mỡ, thức ăn rồi dùng miếng rửa bát mềm để làm sạch.
Dùng đồ kim loại khi chiên rán bằng chảo chống dính
Đồ dùng bằng kim loại như đũa, muỗng khiến bề mặt của chảo bị hỏng, bong lớp chống dính. Nên dùng dụng cụ nhà bếp bằng gỗ cho chảo chống dính để đảm bảo an toàn.
Cất thức ăn trong chảo
Đây là thói quen phổ biến của nhiều bà nội trợ. Để thức ăn trong chảo vừa làm món ăn bị biến đổi mất đi vị ngon ban đầu mà còn khiến chảo nhanh bị hỏng.
Chế biến ở nhiệt độ cao
Mỗi món ăn có cách chế biến riêng, nhưng không nên nấu trên chảo chống dính ở nhiệt độ cao, nấu quá lâu hoặc hâm thức ăn nhiều lần.
Tác giả: Thùy An
Nguồn tin: Báo VnExpress