Giáo dục

Thiếu phòng học, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới

Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là hai yếu tố quan trọng quyết định chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới. Tuy nhiên, thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy hiện học tại nhiều địa phương hiện chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành.

Ngay cả những địa phương được đánh giá là có điều kiện kinh tế tốt thì cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai chương trình, SGK mới cũng còn ngổn ngang với không ít khó khăn. Thực tế trên đòi hỏi các địa phương cần phải tiếp tục ráo riết, nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất trường lớp trong thời gian tới.

Giáo viên một số trường tiểu học ở Hà Nội tự làm đồ dùng dạy học cho học sinh theo nhóm. Ảnh minh họa

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu

Căn cứ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT mới ban hành năm 2018, cơ sở vật chất, thiết bị trong dạy học theo quy định cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp và phải có đủ các phòng học bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, phòng chức năng. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ cần nhiều thiết bị dạy học hơn, đặc biệt là các thiết bị dạy học đa phương tiện và công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế, trực quan mô hình, đồ dùng học tập mà không phải chỉ ngắm nhìn qua sách vở. Yêu cầu đặt ra là thế nhưng trên thực tế, rất ít địa phương, rất ít cơ sở giáo dục đáp ứng được.

Tại Trường THCS Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) năm học này sĩ số học sinh tăng, trường phải tăng đến 6 lớp, trong khi đó, hiện trạng cơ sở vật chất vẫn như cũ, chưa được bổ sung xây mới nên thiếu rất nhiều phòng học. Theo bà Lê Thị Thu Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Bình, chương trình học đề ra như vậy nhưng thực tế cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được. Ngoài việc phải bỏ phòng truyền thống, phòng mỹ thuật để ưu tiên làm phòng học, nhà trường cũng còn phải dồn các phòng làm việc như phòng thủ quỹ, phòng y tế để ưu tiên làm phòng học cho học sinh.

Tại một số điểm trường lẻ thuộc các bản đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi Thanh Hoá, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… nhiều phòng học rơi vào tình trạng xuống cấp khá nghiêm trọng, không có phòng chức năng, thiếu trang thiết bị dạy học. Nếu chiếu theo các Thông tư của Bộ GD&ĐT với những yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, không biết bao giờ học sinh những vùng này mới có thể đáp ứng được.

Ngay tại Hà Nội, một trong những địa phương được đánh giá là có điều kiện kinh tế xã hội tốt nhưng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, khó khăn lớn nhất của các trường học hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chương trình, SGK mới.

Tỷ lệ đáp ứng chung thiết bị cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 toàn thành phố mới chỉ đạt 71,5% và không đồng đều đối với mỗi cấp học. Toàn TP Hà Nội hiện vẫn còn 200 phòng học bán kiên cố. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập, trường nội thành thì thiếu quỹ đất, trường ngoại thành thì thiếu nguồn lực đầu tư…

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), dù được đánh giá là trường THPT công lập nằm trong top đầu của TP Hà Nội với chất lượng đầu vào của học sinh rất cao song nhà trường cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn về cơ sở vật chất. Các dãy nhà học đưa vào sử dụng trên 30 năm (từ năm 1990) nên đã xuống cấp; quỹ đất và không gian hạn chế nên nhà trường không có nhà đa năng, sân chơi cũng chật hẹp.

Thiết bị dạy học còn thiếu, chưa được đầu tư mua sắm tập trung đúng hạng mục đề xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Còn theo lãnh đạo nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội, nhà trường đã phải khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học bằng cách tận dụng trang thiết bị còn phù hợp của chương trình GDPT cũ; đồng thời, phát động phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, sử dụng kho học liệu điện tử bài giảng, khai thác nguồn tài nguyên trên các trang của Bộ GD&ĐT.

Cần sự nỗ lực, ráo riết hơn từ các địa phương

Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, năm học 2021-2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường THCS, 2.441 trường THPT. Tổng số phòng học cả nước là 465.530 phòng, tăng 156.346 phòng so với năm học 2018-2019; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,2%, tăng 5,8% so với năm học 2018-2019. Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Tỷ lệ trường có thư viện ở cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt đạt 92,9%, 88,9% và 86,4%.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa lớn với 52.934 phòng học, tập trung chủ yếu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Số lượng phòng học còn thiếu nhiều, nhất là ở khu vực đô thị, các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học bộ môn, thư viện và các điều kiện cơ sở vật chất khác.

Tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng, trong đó thiếu 3.031 phòng học Tin học và 5.517 phòng học Ngoại ngữ; thiếu 2.086 thư viện. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Số lượng bộ thiết bị giáo dục cần bổ sung lớn, ước tính khoảng 166.195 bộ, trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn.

Thiết bị chuyên dùng tại các phòng học bộ môn Ngoại ngữ, Tin học còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đầu tư xây dựng đủ các phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các phòng chức năng Ngoại ngữ, Tin học cho tất cả các điểm trường lẻ khó khả thi…

Tại lễ tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của năm học 2023-2024 trong tiến trình triển khai Chương trình GDPT 2018 khi đây là một năm vừa nhìn lại kết quả 3 năm đã triển khai, trực tiếp triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Người đứng đầu ngành giáo dục, đào tạo cũng nhìn nhận, mặc dù giáo viên và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng khi triển khai chương trình song do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học; việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ trưởng Bộ GD&Đ đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng mục tiêu triển khai chương trình, SGK mới; các cơ sở giáo dục, trường học cố gắng khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục tốt việc dạy và học của thầy và trò, nhất là với những giờ thực hành; không để thiết bị trong kho và không được ra đến lớp.

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP