Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tranh luận trái chiều về số lượng môn thi bắt buộc

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết sẽ giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006 nhằm không gây xáo trộn cho học sinh. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình GDPT mới ban hành năm 2018 để sớm công bố nhằm giúp học sinh có lộ trình ôn tập phù hợp.

Giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương cũng cần chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như kỳ thi năm 2023. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để sớm công bố. Ảnh minh hoạ

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm 2024 là năm cuối tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, ban hành năm 2006. Do đó, do đó Bộ GD&ĐT thống nhất giữ định các nội dung tổ chức thi để không gây xáo trộn cho thí sinh. Theo đó, thí sinh là học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT vẫn bắt buộc làm 4 trong số 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Tuy vậy, sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Các văn bản như quy chế, hướng dẫn tổ chức thi, Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng ban hành sớm hơn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chú trọng việc tăng cường công tác phối hợp và họp bàn với Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn việc gian lận thi cử bằng công nghệ cao; việc bồi dưỡng cán bộ khảo thí, xây dựng ngân hàng đề thi sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Từ năm 2025, sẽ không còn bài thi tổ hợp

Thông tin thêm về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Về môn thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn. Như vậy, trong số 11 môn trên, Bộ GD&ĐT chưa “chốt” có bao nhiêu môn bắt buộc và bao nhiêu môn tự chọn.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về số lượng môn thi bắt buộc. Luồng ý kiến thứ nhất bày tỏ quan điểm mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh nên chỉ cần thi 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ; không nhất thiết cần cứ phải học gì thi nấy bởi nếu áp quan điểm đó sẽ phải thi bắt buộc nhiều môn hơn. Trong khi bậc THCS học sinh đã học kiến thức nền tảng, lên THPT là bậc phân hoá sâu về định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Nếu thi quá nhiều môn sẽ gây áp lực nặng nề, không cần thiết cho học sinh. GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cho rằng, môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chung của học sinh toàn quốc chỉ nên dừng lại ở con số 2 hoặc 3, bao gồm Toán - Ngữ văn hoặc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhằm giảm áp lực cho các em bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp chỉ là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THPT, Lịch sử là môn bắt buộc, do đó phương án 4 môn thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử là phù hợp. Để giảm áp lực, tránh nỗi sợ học thuộc số liệu, nhớ sự kiện môn Lịch sử, điều quan trọng là cần phải đổi mới đề thi theo hướng mở, giảm phần học thuộc con số một cách máy móc. Bởi nếu học bắt buộc nhưng không thi, đa số học sinh sẽ có cách học đối phó.

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP