Trong tỉnh

Thi hành án làm sai, gia đình mất nghiệp

Mặc dù bản án phúc thẩm tuyên ông Hiến được 193m2 đất và ngôi nhà trên diện tích 320m2 đất là chỗ ở duy nhất của gia đình ông, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện vẫn ra quyết định cưỡng chế, buộc ông Hiến phải cắt 153m2 đất trả cho ông Sơn...

Vợ chồng 2 cụ Vũ Văn Ái, Nguyễn Thị Tho ở khối 5, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sinh được 8 người con là Vũ Thị Lan, Vũ Văn Hương, Vũ Thị Đông, Vũ Văn Hùng, Vũ Văn Cường, Vũ Văn Hiến, Vũ Thị Hồng và Vũ Trường Sơn. Ông Vũ Văn Hương là bộ đội, hy sinh năm 1972, không có vợ con.

Gần 10 năm nay, gia đình ông Vũ Văn Hiến phải chịu cảnh màn trời chiếu đất


Hai cụ có thửa đất 739 m2, nguồn gốc là đất từ đường của dòng họ. Năm 1983 cụ Tho mất, năm 1984 cụ Ái mất. Theo ông Hiến, thì năm 1990, dòng họ Vũ đã thống nhất chia 739m2 nói trên làm 3 phần. Ông Hiến được 320m2, ông Cường được 182m2 và bà Hồng được 237m2. Cả 3 người đã làm nhà trên phần đất đã chia, và đã làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, được UBND thị trấn Cầu Giát xác nhận.

Nhưng ngày 13/5/2008, các ông, bà Sơn, Lan, Đông, Hùng có đơn khởi kiện ông Cường, ông Hiến và bà Hồng ra TAND huyện Quỳnh Lưu, yêu cầu chia 739m2 đất và tài sản trên đất của bố mẹ để lại. TAND huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành xác minh. Thửa đất của 2 cụ Vũ Văn Ái - Nguyễn Thị Tho để lại có diện tích thực tế là 703,6m2. Tài sản trên đất gồm 1 cây sung, 2 cây vông, 2 cây dừa và 1 giếng nước.

Bản án số 17/2008/DSST ngày 29/8/2008 của TAND huyện Quỳnh Lưu tuyên: Ông Cường được sử dụng 174m2 đất, nhưng phải trả cho ông Hùng, bà Lan, bà Đông 150 triệu/người. Ông Hiến được 193m2 đất, được hưởng tiền bảo quản và bồi trúc đất ở là 56 triệu đồng, nhưng phải trả cho bà Lan, bà Đông và ông Hùng 168 triệu/người. Ông Sơn được 153m2 đất, nhưng phải trả cho bà Lan, bà Đông và ông Hùng 108 triệu/người. Bà Hồng được 182m2 đất, nhưng phải trả cho bà Lan, bà Đông và ông Hùng 166 triệu/người.

Do có kháng cáo nên vụ kiện được TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm số 44/2009/DSPT ngày 8/7/2009 của TAND tỉnh Nghệ An tuyên y án sơ thẩm. Bản án dân sự phúc thẩm nói trên của TAND tỉnh Nghệ An lập tức được thi hành.

Mặc dù bản án phúc thẩm tuyên ông Hiến được 193m2 đất và ngôi nhà trên diện tích 320m2 đất là chỗ ở duy nhất của gia đình ông, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện vẫn ra quyết định cưỡng chế, buộc ông Hiến phải cắt 153m2 đất trả cho ông Sơn, kê biên tài sản trong nhà ông Hiến, gồm ô tô, két sắt, giường tủ... mang phát mại và buộc ông Hiến phải bán nốt phần đất còn lại cho chủ một hiệu vàng trong thị trấn để lấy tiền trả cho bà Lan, bà Đông và ông Hùng. Mất sạch đất đai, nhà cửa và tài sản, ông Hiến phải ra đường.

Nhận thấy 2 bản án sơ, phúc thẩm nói trên của hai cấp tòa tỉnh Nghệ An là thiếu căn cứ, nên ngày 21/9/2012, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ kiện về cho TAND huyện Quỳnh Lưu xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Nhận được quyết định Giám đốc thẩm nói trên, TAND huyện Quỳnh Lưu không xét xử sơ thẩm lại, mà ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện, trả lại đơn kiện cho các nguyên đơn. Không đồng ý với quyết định trên, các nguyên đơn kháng cáo. Nhưng kháng cáo đó bị TAND tỉnh Nghệ An bác bỏ, tuyên giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của TAND huyện Quỳnh Lưu.

Vụ kiện bị đình chỉ, tức là phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Gia đình ông Vũ Văn Hiến đang sử dụng 320m2 đất, nhà cửa trên đất và các tài sản khác đã bị hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu bán hết, gia đình ông phải đứng đường từ năm 2009. Theo ông Hiến, việc làm trái pháp luật nói trên đã gây thiệt hại cho gia đình ông hang tỷ đồng, và đẩy gia đình ông vào cảnh màn trời chiếu đất.

Từ đó đến nay, đã gần 10 năm, ông Hiến liên tục có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu phải trả lại đất đai và các tài sản khác cho ông. Vụ việc đã được đưa lên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An rồi Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Nhưng tất cả cứ đùn đi đẩy lại.

Không biết bao nhiêu lần các cơ quan này đã làm việc với gia đình ông Hiến, nghe ông trình bày, ghi nhận, nhưng rồi vẫn... để đấy, không một cơ quan nào chịu trách nhiệm, giải quyết dứt điểm. Cũng không biết bao nhiêu ngày ông Hiến phải ăn chực nằm chờ tại trụ sở tiếp dân của tỉnh, Trung ương. Hàng trăm lá đơn đã được ông gửi đi. Nhưng đến nay, đứng đường vẫn hoàn đứng đường.

Tác giả: VŨ HỮU SỰ

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP