Trong tỉnh

Tháo gỡ vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 7

Để thực hiện dự án Quốc lộ 7, các địa phương cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường theo quy định của Nhà nước.

Dự án hơn 1.300 tỷ đồng chậm tiến độ

Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn tại tỉnh Nghệ An được bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022.

Tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5Km đi qua huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ (bao gồm chi phí dự phòng).

Đến nay, các huyện đã bàn giao mặt bằng được khoảng 53,538km/55,405km (đạt 96,64%) tính cả trái và phải tuyến. Hiện còn vướng 1,864km (tính cả trái và phải tuyến) chiếm 3,36% và ảnh hưởng đến 121 thửa đất.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 7 được khởi công từ tháng 9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và đưa vào sử dụng năm 2024.

Ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, tại địa phương hiện còn vướng 0,775km (tính trái và phải tuyến) chiếm 4,16% và ảnh hưởng đến 69 thửa.

"Các hộ dân không đồng ý do đền bù chưa đúng, nay Hội đồng giải phóng mặt bằng tính đền bù bổ sung bằng cách tính đơn giá tại thời điểm cũ và tính lãi suất theo trả chậm", Chủ tịch huyện Diễn Châu cho biết.

Ngoài ra, các hộ dân chưa thống nhất về nguồn gốc đất 2 thửa thuộc xã Diễn Phúc; chưa thống nhất về diện tích 42 thửa đất (trong đó 10 thửa thuộc xã Diễn Thành; 19 thửa thuộc xã Diễn Cát; 13 thửa thuộc xã Minh Châu); 1 thửa đất đang xảy ra tranh chấp và đang kiện ra tòa để xử lý thuộc xã Diễn Thành.

Lãnh đạo huyện Diễn Châu cho biết sẽ tập trung thời gian củng cố, hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định để phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường cho tất cả các hộ còn lại. Trường hợp nào không thống nhất thì củng cố hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Hạng mục cầu vượt đường sắt đoạn đi qua xã Diễn Phúc đến nay vẫn chưa thể thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Về huyện Yên Thành, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Dương cho biết, hiện còn vướng 0,885 km/27,774km (tính cả trái và phải tuyến) chiếm 3,19% và ảnh hưởng đến 51 thửa đất. Trong đó phía trái tuyến vướng 489m và ảnh hưởng 28 thửa đất, phía phải tuyến 396m ảnh hưởng 23 thửa.

Các hộ chưa thống nhất về diện tích 42 thửa đất (trong đó 10 thửa thuộc xã Viên Thành; 5 thửa thuộc xã Bảo Thành; 2 thửa thuộc xã Công Thành; 33 thửa thuộc xã Mỹ Thành); 1 thửa đất thuộc xã Viên Thành đang xảy ra tranh chấp và kiện ra tòa để xử lý.

Tại huyện Yên Thành, đối với một số trường hợp đủ điều kiện, UBND huyện đã xin chính sách áp dụng hỗ trợ khác; hiện đã được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 6959/UBND-NN ngày 15/8/2024.

"Đối với một số trường hợp không đủ điều kiện, UBND huyện tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước, trường hợp cần thiết tổ chức bảo vệ thi công đối với các hộ còn cản trở trong tháng 8/2024", ông Dương nói.

Huyện Đô Lương hiện còn vướng 200m do người dân vẫn chưa đồng ý.

Về huyện Đô Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Hiến cũng cho biết sẽ thực hiện bảo vệ thi công theo quy định để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Tại Đô Lương, hiện còn vướng 0,204km /9,022km (tính cả trái và phải tuyến) chiếm 2,26% và ảnh hưởng đến 1 thửa. Hiện hộ dân không đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng đi qua thửa đất.

Tổ chức bảo vệ thi công để dự án kịp tiến độ

Trước sự chậm trễ này, ngày 21/8, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe tình hình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và công tác khác liên quan của dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua các huyện: Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các huyện cần bổ sung thêm tổ an ninh trật tự cơ sở tham gia vào công tác tuyên truyền để tăng cường vận động người dân bằng nhiều hình thức mới, phù hợp, có hiệu quả.

Đối với những nơi nào điều chỉnh thiết kế kỹ thuật dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thì tổ chức bàn giao sớm mặt bằng; song song với đó phối hợp tổ chức thực hiện giải quyết đơn thư của người dân.

Để làm tốt công tác này, các huyện tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Ông Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, trường hợp cần thiết thì tổ chức bảo vệ thi công đối với các hộ còn cản trở để đảm bảo tiến độ kịp thời. Đặc biệt, các địa phương chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo hàng tuần theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe tình hình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 7. Ảnh Nghệ An.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành có liên quan bám sát kiến nghị của các địa phương để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

Ban quản lý dự án tập trung phối hợp, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bảo vệ thi công đảm bảo tiến độ dự án; công an tỉnh nghiên cứu sớm hồ sơ các địa phương để bảo vệ thi công, cưỡng chế; chỉ đạo Tổ an ninh trật tự cơ sở tham gia, phối hợp hỗ trợ cho các địa phương; đề nghị Tòa án giải quyết sớm các vụ việc khiếu kiện về dự án này để đảm bảo tiến độ dự án.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP