Xây dựng phương án bảo vệ thi công
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực Lê Hồng Vinh về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và các công tác khác liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn.
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km 0 - Km 36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. |
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng, có tổng chiều dài 27,5km đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ (bao gồm chi phí dự phòng), chi phí giải phóng mặt bằng 250,8 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Công trình có quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Riêng các đoạn qua đô thị tốc độ được thiết kế 60km/h. Dự án được Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2022.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, Quốc lộ 7 sẽ kết nối với đường cao tốc bắc-nam và kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (thông thương với Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội,… Chính vì vậy, đây là dự án quan trọng, mang tính cấp bách.
Thời gian qua, mặc dù UBND các huyện có dự án đi qua đã tập trung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ tối đa cho dự án nêu trên. Trong đó, triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đến nay vẫn còn nhiều khối lượng công việc cần giải quyết.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và nội dung liên quan, UBND tỉnh yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án.
Kiện toàn lại hội đồng giải phóng mặt bằng cho dự án, khẩn trương xác định lại nguồn gốc, diện tích… của các thửa đất đang vướng mắc, tính toán cụ thể phần nào được hỗ trợ, phần nào không được hỗ trợ để tuyên truyền vận động người dân sớm thống nhất bàn giao mặt bằng cho dự án, từ đó xác định cụ thể các trường hợp cần xử lý hành chính hoặc bảo vệ thi công.
Trong đó, đối với huyện Yên Thành cần thực hiện bàn giao mặt bằng các đoạn vướng mắc xong trước ngày 28/6/2024. Đối với các hộ không đủ điều kiện để đền bù hoặc có đất theo trích đo không ảnh hưởng đến dự án nhưng hiện nay chưa bàn giao mặt bằng, UBND huyện khẩn trương tổ chức vận động tuyên truyền, xây dựng phương án bảo vệ thi công, hoàn thành trong tháng 6/2024.
Huyện Đô Lương đã tổ chức bảo vệ thi công để bàn giao mặt bằng cho dự án. |
Đối với UBND huyện Đô Lương, cần thực hiện bàn giao mặt bằng các đoạn còn vướng mắc xong trước ngày ngày 25/6/2024. Trước đó, vào ngày 18/6/2024, căn cứ quy định của pháp luật, UBND huyện Đô Lương cũng quyết định tổ chức bảo vệ thi công. Phạm vi, diện tích bảo vệ thi công là khoảng 480,6m2 đất hành lang Quốc lộ 7 thuộc 9 thửa đất, tại xóm Lưu Diên, xã Lưu Sơn.
Đảm bảo chất lượng dự án
Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc điều hành dự án, Ban quản lý dự án 4, Cục Đường bộ VN cho biết thêm, đến nay toàn dự án đã thi công đạt khối lượng hơn 74%. Tuy nhiên, do nhiều đoạn chưa có mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ” khiến tiến độ rất chậm. Ban đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân bàn giao sớm mặt bằng, sớm hoàn thành dự án.
“Khó khăn rất lớn trong quá trình thi công dự án này là mặt bằng “xôi đỗ”, không liền mạch. Thậm chí có những vị trí chỉ 20m nhưng nhà thầu vẫn phải thi công để đảm bảo tiến độ và tránh tái lấn chiếm mặt bằng”, ông Châu cho biết.
Không có mặt bằng, thi công dàn trải khiến cho dự án đang chậm tiến độ. |
Vừa qua, người dân xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành phản ánh về việc thi công rãnh thoát nước dọc Quốc lộ 7 qua địa phương này có nhiều dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Cụ thể cấu kiện được dùng để thi công đã qua sử dụng, nhiều cấu kiện bị vỡ ở các góc cạnh. Quá trình đổ bê tông phía trên cấu kiện nhằm tạo mặt phẳng để đậy tấm đan, nhiều vị trí chưa được vệ sinh, bám đầy bùn đất.
Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành dự án, Ban quản lý dự án 4 việc tận dụng cấu kiện đã qua sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được đơn vị chức năng thẩm định trước khi đưa vào thi công.
“Việc tận dụng các cấu kiện còn đảm bảo chất lượng để lắp đặt vào hệ thống rãnh dọc được thiết kế mới giúp giảm chi phí. Cấu kiện này mới thi công ở dự án duy tu cách đây khoảng 2 năm. Một cấu kiện đúc sẵn loại này có giá khoảng 2,5-3 triệu đồng, trong khi cấu kiện cũ vẫn đảm bảo chất lượng mà chi phí chỉ bằng 1/3”, ông Châu nói.
Đại diện Ban quản lý dự án 4 cho biết, việc tận dụng cấu kiện đã qua sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. |
Đại diện Ban Quản lý dự án 4 khẳng định các vật tư, vật liệu đầu vào cam kết đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thi công, nhà thầu không tránh khỏi những sai sót, cán bộ ban luôn kiểm tra và chấn chỉnh ngay.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn