Sau gần 12 năm là đô thị loại I, 7 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, thành phố Vinh đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt thành phố đã có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn mà thành phố Vinh đang đối mặt. Vì vậy, thành phố Vinh cần thay đổi để phát triển.
Thành phố Vinh đang hướng đến đô thị thông minh tì vấn đề quan trọng nhất là phải xay dựng con người thông minh |
Theo ông Trần Ngọc Tú, ngoài những khó khăn khách quan tác động làm giảm thu ngân sách, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người nghèo gia tăng, thì khó khăn nhất của thành phố Vinh hiện nay chính là sự tụt hậu.
Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, hiện cả nước có 117 đô thị, trong đó có 18 đô thị loại I. Thành phố Vinh là đô thị được hình thành sớm thứ 4 và có diện tích lớn thứ 13/18 đô thị loại I, nhưng về tốc độ phát triển đang ở vị trí thứ 17/18 đô thị loại I.
Sự tụt hậu còn đến ở đội ngũ cán bộ còn ngại va chạm, sợ đổi mới.
Cụ thể, trong chỉ đạo điều hành phải thay đổi với tư tưởng quyết liệt, mạnh dạn bứt phá, gắn với đó là giảm họp, giảm văn bản, nếu lãnh đạo suốt ngày họp, cán bộ lo làm văn bản báo cáo thì sẽ không có ai làm việc.
Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng đội ngũ. Thành phố Vinh đang đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, vấn đề quan trọng bậc nhất và đầu tiên là phải xây dựng con người thông minh, cán bộ thông minh; yêu cầu tác phong làm việc, giải quyết công việc của cán bộ, công chức từ thành phố đến phường, xã là phải đảm bảo về tốc độ nhanh và chính xác.
Cán bộ, công chức phải dành thời gian để nghiên cứu; tăng cường học tập kinh nghiệm các địa phương khác; chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ trí thức nhằm củng cố kiến thức chuyên môn mang tính chiều sâu để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được phân công, vì sự phát triển chung của thành phố.
Được biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2023, về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (theo giá so sánh 2010) bình quân đạt khoảng 10-11%/năm giai đoạn 2020-2023. Tổng giá trị gia tăng (theo giá hiện hành) chiếm khoảng 25-30% tổng GDP của tỉnh; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 141,7 triệu đồng.
Về phát triển xã hội, thành phố Vinh phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn dưới 0,25% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 46%.
Tác giả: Quốc Khánh
Nguồn tin: nhadautu.vn