Trong nước

Tham nhũng làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là mắt xích

Đại biểu Quốc hội cho rằng tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích.

Thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không sớm được đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ lớn.


Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình)

“Tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói..

“Nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tuy vậy, thu hồi tài sản lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát.

Vậy nghìn tỷ đồng tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân chờ các câu trả lời từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu.

Đại biểu Sinh cũng cho rằng để công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả nếu chỉ dựa vào quy định thì chưa đủ vì nó chỉ giải quyết phần ngọn.

Cho nên, đại biểu Sinh cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật Cán bộ, Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng.

“Cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình, nếu không chứng minh được phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có. Không thể giải thích qua quýt là của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong chuyện. Mọi cán bộ công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình”, đại biểu Sinh đề xuất.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân giám sát, có chính sách bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng.

“Không để trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích chống tham nhũng nhưng sau đó lại trở thành tội phạm hoặc bị đối xử, điều đó đã làm giảm lòng tin của nhân dân cả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ.


Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá)

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) nhấn mạnh rằng, cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng tham nhũng.

“Quyết tâm chính trị đã có, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy cán bộ đầy đủ nhưng khâu phòng chống tham nhũng có cái gì đó chưa ổn, nhất là khâu tổ chức thực hiện”, đại biểu Diến bày tỏ.

Ông Diến dẫn chứng việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả, tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu; thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp...

“Người dân, doanh nghiệp, kể cả cán bộ công chức trong quá trình giao dịch công việc với chính quyền, với các ngành vẫn phải chịu tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh dẫn đến chấp nhận phải “bôi trơn”, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Đề cập nguyên nhân, ông Mai Sỹ Diến cho rằng người tham nhũng là cán bộ có chức có quyền, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, tính nghiêm minh trong xử lý chưa cao.

Đại biểu Mai Sỹ Diến kiến nghị “tham nhũng chính từ ta, từ đồng chí, đồng đội của ta nhưng một khi ta hay đồng đội tham nhũng thì pháp luật và tổ chức phải xử lý cứng rắn”.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý công khai, kiểm soát quyền lực, loại bỏ cơ chế xin – cho, nhất là ở lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước.

Tác giả bài viết: Phạm Thịnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP