PGS.TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trao đổi với Dân trí xung quanh chuyện kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức nhìn từ vụ bắt nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.
PGS.TS Hoàng Ngọc Giao phát biểu tại một hội thảo (Ảnh: VOV). |
Ông nghĩ gì khi chứng kiến khối tài sản rất lớn của nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà "lộ sáng" khi Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám xét nhà và bắt giữ ông này?
- Người dân ai cũng bức xúc khi nhìn vào khối tài sản như vậy. Một quan chức không giữ chức vụ cao lắm - về cấp bậc thì chỉ cỡ phó giám đốc sở thôi, Chủ tịch TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) thì chỉ tương đương cấp quận, huyện - mà tiền bạc, tài sản nổi đã lớn như vậy rồi thì chắc chắn tài sản chìm còn lớn hơn nhiều. Đó là điều chắc chắn.
Chắc chắn ai nhìn vào đó cũng bức xúc, bởi lương của cấp đó chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Vậy ông ta đã làm gì để có khối tài sản nổi lớn như vậy?
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây vài năm của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái trả lời báo chí rằng "nhờ buôn chổi đót" nên có khối tài sản, dinh thự đồ sộ. Thế nhưng sau khi thanh tra, kiểm tra thì sự việc lại bị chìm đi, không có xử lý gì ghê gớm.
Tài sản nổi rất lớn của rất nhiều quan chức đập vào mắt người dân, ai cũng thấy cả. Nhưng khi kiểm tra, thanh tra thì xử lý một vài người, xử lý chưa được bao nhiêu; thậm chí không xử lý được theo hướng xác minh tài sản bất minh - trừ khi có vụ án lớn thì khi đó mới bộc lộ ra tài sản đó dưới các quy định pháp luật.
Ngay trong các đại án, câu hỏi thường trực của người dân luôn là thu hồi được bao nhiêu tài sản? Mặc dù công cụ pháp luật rất đầy đủ nhưng người dân luôn cảm thấy hầu như thu hồi chả đáng bao nhiêu cả.
Qua câu chuyện tài sản của nguyên Chủ tịch TP Hạ Long, có mấy vấn đề chúng ta thấy cần phải đặt ra. Thứ nhất, việc quan chức có khối tài sản nổi lớn hiện nay rất phổ biến, thậm chí được họ sử dụng công khai, xa hoa như nhà cửa đồ sộ, ô tô hạng sang, cây cảnh "khủng",… Nhưng tại sao chuyện ấy lại ngày càng phổ biến như vậy so với đồng lương, thu nhập của họ và việc kiểm tra, giám sát biến động tài sản của họ đang được thực hiện như thế nào?
Vấn đề thứ hai, vì không xử lý được những việc đó nên câu chuyện kê khai tài sản, đánh giá biến động tài sản của quan chức hiện nay rất hình thức dù quy định của luật đã có cả rồi. Các quy định về đánh giá tài sản khi quy hoạch, dự kiến bổ nhiệm vào chức vụ nào đó không rõ ràng. Quá trình theo dõi, đánh giá biến động tài sản trong thời gian giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo cũng không chặt chẽ.
Thứ ba, việc minh bạch trong kê khai, biến động tài sản của quan chức, đặc biệt ở những vị trí dễ tham nhũng cần được thay đổi so với hiện nay. Dân chúng chưa thấy công khai các thông tin kiểu như: Ông A. khi giữ chức vụ đó thì tài sản là bấy nhiêu, sau đó một năm biến động bao nhiêu?". Chúng ta không thấy ai bị kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật ai trong việc gian dối kê khai biến động tài sản…
Tôi cho rằng nếu làm sâu, làm chặt thì sẽ hạn chế được quan chức tham nhũng. Chí ít, quan chức sẽ sợ tham nhũng, ngại tham nhũng hoặc không dám, không thể phô trương gây ngứa mắt người dân như vậy.
Những cây cảnh trước sân nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long được định giá tiền tỷ. Giá trị căn biệt thự view biển cũng đang được giới buôn bán bất động sản định giá lên tới cả trăm tỷ đồng (Ảnh: Hải Sâm). |
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh có nên rà soát lại việc kê khai tài sản, thu nhập và biến động tài sản trước đây của ông nguyên Chủ tịch TP Hạ Long hay không?
- Bây giờ rà soát lại thì dù có sự gian dối đi nữa cũng không thể nặng bằng tham ô tài sản - những việc đang được cơ quan công an điều tra.
Lẽ ra khi người ta chưa có dấu hiệu phạm tội thì phải rà soát tài sản rồi. Tôi cho rằng khâu tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo về tài sản quan chức rất quan trọng. Có những đơn thư nặc danh thôi nhưng tố cáo về tài sản quan chức thì cơ quan thẩm quyền cũng nên tiếp nhận giải quyết, bởi thực tế nhiều người tố cáo sợ bị trả thù, không được bảo vệ nên không dám tố cáo chính danh. Khi tiếp nhận đơn như vậy cần được xác minh ngay, thậm chí cho thanh tra, kiểm soát ngay xem đúng hay không đúng. Nếu đúng thì áp dụng lập tức các chế tài kỷ luật tương ứng.
Có nên xác minh để kê biên, phong tỏa những khối tài sản rất lớn khác để phục vụ thi hành, thu hồi tài sản sau này?
- Nghiệp vụ cơ quan điều tra sẽ làm, nhưng dư luận đã thấy có dấu hiệu che giấu tài sản, tẩu tán tài sản cho người thân: 4 chiếc ô tô hạng sang thì ông ta chỉ đứng tên cái ô tô rẻ tiền nhất.
Đó mới chỉ là dấu hiệu bên ngoài, vì thế hướng điều tra sẽ phải xem tài sản có bị tẩu tán trước đó bằng cách chuyển quyền sở hữu cho người thân, họ hàng, bạn bè thân thích hay không? Đấy là một vấn đề phức tạp trong điều tra, thu hồi tài sản của quan chức hiện nay.
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam. Tài sản của quan chức có dấu hiệu tham nhũng mà không chứng minh được nguồn gốc hình thành có thể bị khởi kiện dân sự ra tòa để thu hồi. Ông có thấy tính bức thiết của việc xây dựng một cơ chế như vậy không?
- Năm 2018 khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng đã từng đưa ra đề xuất truy thu thuế ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh. Nhưng sau đó quy định đó đã không được chấp nhận.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền nên quyền tài sản cũng rất quan trọng, không thể bằng biện pháp hành chính thu hồi tài sản của người ta mà phải theo con đường tư pháp, tố tụng, trong đó xác định nguồn gốc tài sản của người ta đàng hoàng.
Việc thu hồi tài sản khi không chứng minh được, theo tôi phải là một quyết định của tòa án, qua cơ quan tư pháp. Vì thế có thể thông qua kiện dân sự, yêu cầu quan chức phải chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản. Quan chức khi đó buộc phải chứng minh nguồn tiền ở đâu để có được biệt thự, biệt phủ hoành tráng. Không chứng minh được thì sẽ bị xác định là tài sản bất minh, nhà nước thu; nếu trốn thuế thì phải nộp thuế, dù không hình sự hóa, không bắt đi tù. Tôi cho rằng cơ chế đó rất hay.
Trong 4 chiếc ô tô đang bị niêm phong, ông Phạm Hồng Hà chỉ đứng tên chiếc xe VinFast giá trị khoảng 1,8 tỷ đồng (Ảnh: An Nhiên). |
Từng nhiều lần tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), theo ông kẽ hở của luật hiện nay là gì và phải sửa đổi ra sao trong tương lai?
- Luật Phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện nay chưa đề cập tới thu hồi tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc; còn xuề xòa trong việc đánh thuế.
Bên cạnh đó lỗ hổng vẫn là công khai, minh bạch tài sản. Kê khai tài sản hiện nay vẫn khép kín, trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Công khai trong trụ sở cơ quan thì người bên ngoài, người dân không ai biết cả.
Dù chúng ta đang xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tài sản của cán bộ, công chức nhưng cũng sẽ chỉ có những cơ quan nhất định tiếp cận được thông tin. Hãy công khai tài sản của các vị ấy trên trang website để người dân biết; biến động tài sản như thế nào cũng phải công khai ra, có thể công khai từng bước cho những nhóm tổ chức xã hội, cộng đồng luật sư,… được tiếp cận, dần dần mở rộng tới người dân. Làm thế thì sẽ khiến quan chức sợ lắm và sẽ rất tốt trong công tác phòng chống tham nhũng.
Khi công khai rồi thì việc phát hiện những ông như Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, Chủ tịch TP Hạ Long với đồng lương, thu nhập như thế mà sở hữu khối tài sản "khủng" sẽ nhanh chóng hơn. Việc xác định quan chức đó kê khai bao nhiêu tài sản và tài sản thực tế đang nắm giữ cũng được giám sát tốt hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Khối tài sản "nổi" của nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Sau khi Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà - nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long - để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", dư luận rất quan tâm tới khối tài sản của ông này. Bước đầu, cơ quan công an đã tạm giữ, niêm phong 4 xe ô tô hạng sang xuất hiện tại biệt thự của ông Hà gồm: Mercedes Benz E300, VinFast Lux SA, Lexus LX 570 và Lexus ES 350. Giá trị của những chiếc xe ô tô này được định giá trên thị trường từ 10-20 tỷ đồng. Ngôi biệt thự nhìn ra biển của gia đình ông Phạm Hồng Hà cũng được giới môi giới bất động sản định giá từ hàng chục tỷ tới cả trăm tỷ đồng và đến nay chưa có thông tin về việc bị cơ quan công an niêm phong hay kê biên. Cùng với đó, thông tin và hình ảnh về những cây cảnh "khủng" được trồng trước nhà ông Phạm Hồng Hà trở thành đề tài tranh luận, bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí