Theo dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đặc xá vừa được bộ Công an đưa ra lấy ý kiến người dân, người bị kết án tù về tội Tham nhũng phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp đủ án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác mới được đề nghị đặc xá. Đây được xem là điểm mới của dự thảo và có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất này.
ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, xử lý tham nhũng, trong đó xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng là vấn đề quan trọng, là khâu cuối cùng trong quá trình đấu tranh với một hành vi hay vụ việc tham nhũng. Xử lý tham nhũng thể hiện rõ nét quan điểm và thái độ của Nhà nước cũng như phản ứng của xã hội đối với tham nhũng.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ với điểm mới trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đặc xá bởi vì đặc thù về án tham nhũng, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mà các đối tượng gây ra thì phải bồi thường thiệt hại, thực hiện nghĩa vụ dân sự...
Nếu làm được như vậy sẽ không còn tình trạng tham nhũng hàng nghìn tỷ nhưng đi tù chỉ chục năm, cải tạo tốt thì được ân xá. Số tiền tham nhũng phải được nộp đúng, nộp đủ và nếu tội phạm tham nhũng không bồi thường thiệt hại thì dù có cải tạo tốt cũng không được ân xá”, bà Dung nêu quan điểm.
Với điểm mới của dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, dư luận không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bản án có nghiêm khắc đến mấy mà không thu hồi được tài sản thì bản án chưa có tác dụng.
Theo đánh giá của bà Dung, có một thực tế đang xảy ra, tài sản bị thất thoát thì rất khó có thể thu hồi lại được hết, đặc biệt trong các vụ án tham nhũng. Điển hình, trường hợp của ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines thất thoát rất nhiều nhưng thu lại chưa được 1/3. Đó chỉ là một ví dụ, còn một số vụ án tham nhũng khác, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng số thu hồi cho Nhà nước chiếm tỉ lệ nhỏ.
Ngay cả vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tổng công ty Xây lắp dầu khí đang được xét xử, điều mà dư luận quan tâm số tiền nhiều tỷ đồng mà bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm làm thất thoát sẽ thu hồi được bao nhiêu. Đây cũng là câu hỏi lớn được nhiều người quan tâm.
Chính vì thế, theo bà Dung, việc bồi thường thiệt hại là điều kiện quan trọng trong việc xem xét người phạm tội có đủ điều kiện được ân xá hay không. “Việc quy định tội phạm tham nhũng phải bồi thường thiệt hại xong mới được ân xá cho thấy chúng ta đang hướng tới mục tiêu buộc thi hành triệt để các vụ án tham nhũng”, bà Dung nhấn mạnh.
Từ thực tế những vụ án tham nhũng, theo bà Dung cần quy định một cách đầy đủ, toàn diện hơn về các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn- chủ thể của tội Tham nhũng, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình tăng, giảm các khoản giao dịch có giá trị lớn, quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai không trung thực. Đó sẽ là tổng hòa các biện pháp để không dám tham nhũng.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: Báo Người đưa tin