Xã hội

Sau 4 năm lên bờ, làng chài Sơn Đặng vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai

Sau 4 năm làng chài xóm 6, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) lên bờ an cư, đến nay người dân nơi đây vẫn còn nhiều điều trăn trở giữa ở lại hay trở về sông nước để kiếm kế sinh nhai, khi mà họ không có một tấc đất để “sống”. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều hộ dân lại phải trở về với chiếc thuyền cũ...

“An cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”

Cuối năm 2012, 68 hộ dân làng chài ven sông Lam, ở xóm 6, xã Đặng Sơn được chuyển lên bờ tái định cư (TĐC). Có được một mảnh đất để “cắm dùi”, đó là điều mà người dân hằng mong ước từ hàng chục năm qua, bởi quanh năm sinh sống trên chiếc thuyền chông chênh ven sông luôn là nỗi lo thường trực mỗi khi mưa bão về. Ước mơ một ngày nào đó được lên bờ để dựng một căn nhà, có lẽ có là niềm vui sướng nhất, nay đã trở thành hiện thực.


1 140858
Vợ chồng bà Tâm cũng như các hộ dân khác ở làng TĐC hết sức lo lắng vì không có đất sản xuất

Các hộ dân phấn khởi lên bờ nhận đất, nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước, để xây dựng nhà cửa. Thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên, nhiều hộ gia đình có điều kiện hơn thì làm nhà mái Thái, nhà mái bằng… khiến nhịp sống của bà con trong xóm mới trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Thế nhưng niềm vui “an cư” ấy chưa được bao lâu, thì người dân lại canh cánh nỗi lo thiếu đói, thiếu ăn khi không có một tấc đất để sản xuất hay chăn nuôi gì cả. Cuộc sống của họ vẫn còn đó những âu lo thường trực, mà về lâu về dài chưa biết chưa biết phải xoay sở ra sao.

Theo bà Dương Thị Tâm (51 tuổi) ở làng TĐC cho biết: “Trước đây người dân chúng tôi quanh năm phải bám thuyền để sinh sống. Mỗi khi nhìn lên bờ thấy những gia đình lên đèn quây quần đầm ấm bên nhau, lúc đó chỉ khát khao có một mảnh đất ở, để con cháu sau này không phải lênh đênh như bố mẹ chúng nó. Giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực, mỗi khi mưa bão về không còn thấp thỏm phải lo lật thuyền. Con trẻ lại thuận lợi việc tới trường, có lẽ chúng tôi không dám mong gì nhiều hơn”.


2 123226
Không còn lo khi mưa bão về, làng chài TĐC ngày một đông đúc hơn

Thế nhưng vẫn còn đó những trăn trở của các hộ dân, khi mà ngoài đất ở thì không một hộ nào đó đất để sản xuất hay chăn nuôi. Trong dự án TĐC, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để đào giếng nước. Thế nhưng khi đào giếng không có nước để dùng, nếu có nước thì nguồn nước cũng không đảm bảo đủ dùng hàng ngày.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều hộ dân lại phải trở về với chiếc thuyền cũ cách đó chừng 4 – 5km để tiếp tục với nghề sông nước trên sông Lam. Thanh niên trai trẻ thì đi vào miền Nam, Tây Nguyên làm ăn, hái cà phê… Còn lại mỗi người kiếm cho mình một công việc, để có chút tiền trang trải cuộc sống, hay lo cho con cái ăn học. Ban ngày quanh quẩn ở xóm chỉ là những cụ ông cụ bà đã già yếu, trông nhà trông cháu cho các con đi làm.

Bất đắc dĩ, nhiều hộ gia đình lại phải bỏ ra một khoản tiền lớn để khoan giếng, hay vài ba gia đình lại chung nhau khoan một giếng để giảm bớt chi phí. Giếng không đào được, nên những chiếc cống nước được mang tới khu TĐC trước đó, giờ cũng đã được chuyển đi, tiền hỗ trợ người dân cũng không được nhận.

Người dân “khát” đất sản xuất

Theo người dân cho hay, lúc lên bờ ngoài được phân chia 150 - 160m2 đất xây dựng nhà cửa và các công trình phụ, còn lại không có mảnh ruộng nào để sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi.

Nhà ít người còn đỡ, có gia đình 7- 8 người sống trong một căn nhà cũng với chừng ấy diện tích nên hết sức bất tiện. Trong khi tiền hông có để mua thêm đất, cất thêm nhà. Bất đắc dĩ, người ở trên bờ, người lại xuống thuyền cư trú, những ngày gia đình có công việc hay lễ tết mới được lên bờ quây quần.

Dự án khu TĐC cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ở xã Đặng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2012. Cuối năm 2012, 68 hộ dân trong đó có 39 hộ của xóm 6 và 29 hộ ở xóm 7 đã chuyển về đây.

Chị Nguyễn Thị Hà, sống ở làng TĐC cho hay: “Gia đinh tôi chuyển lên đây làm nhà năm 2013, giờ vẫn còn nợ tới 60 triệu đồng tiền xây nhà, nhưng chưa biết lấy đâu ra để trả. Có đất để làm nhà, người dân chúng tôi rất vui mừng, tuy nhiên không có đất sản xuất cũng như chăn nuôi nên về lâu dài, kế sinh nhai là điều mà người dân rất lo lắng".


3 99991
Đào giếng nhưng không có nước, hoặc có nước dùng thì giá đắt đỏ gấp nhiều lần

Không có công việc ổn định nên chồng chị Hà ngày ngày lại xuống dòng sông Lam làm thuê, còn chị thì đạp xe ra thị trấn cách nhà 7-8km tìm việc.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều hộ dân lại phải trở về với chiếc thuyền cũ cách đó chừng 4 – 5km để tiếp tục với nghề sông nước trên sông Lam. Thanh niên trai trẻ thì đi vào miền Nam, Tây Nguyên làm ăn, hái cà phê… Còn lại mỗi người kiếm cho mình một công việc, để có chút tiền trang trải cuộc sống, hay lo cho con cái ăn học. Ban ngày quanh quẩn ở xóm chỉ là những cụ ông cụ bà đã già yếu, trông nhà trông cháu cho các con đi làm.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cho biết: “Đến nay, chỗ ở của bà con khu TĐC cơ bản ổn định, đất sản xuất thì người dân đã kiến nghị lên xã nhiều lần. Tuy nhiên vấn đề này rất khó khăn, cần các cấp quan tâm giải quyết”.

Còn ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho biết: “ Người dân lên bờ TĐC đã tương đối ổn định về đất ở, việc thiếu đất sản xuất, huyện cũng hết sức trăn trở vì quỹ đất không có. Hiện đất theo Nghị định 64 đã chia hết cho dân và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cả rồi”.

Tác giả bài viết: Văn Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP