|
Dài cổ chờ cổ đông chiến lược
Xét tổng quan, việc chuyển đổi theo mô hình 2 thành viên tại Công ty Cổ phần nông nghiệp 3/2, Công ty TNHH MTV 1/5 và Công ty TNHH MTV Xuân Thành đều không mang lại kết quả như kỳ vọng. Chồng chéo về quy định là một nhẽ, chính mức độ rủi ro tiềm tàng là yếu tố cản trở.
Để tạo đà cho cuộc "hôn phối", ban đầu tỉnh Nghệ An thông báo chủ trương cho phép các đơn vị được tự do lựa chọn đối tác phù hợp để tiến tới “kết duyên”. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH MTV Xuân Thành đề xuất Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An làm cổ đông chiến lược lâu dài, dù vậy đã qua 5 năm có lẻ mối lương duyên vẫn chưa thành.
chuyển đổi theo mô hình 2 thành viên được kỳ vọng sẽ sớm giúp các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An bước qua khỏi giai đoạn u tối. Ảnh: Việt Khánh. |
Theo tìm hiểu của NNVN, dù tỉnh Nghệ An quả quyết như trên nhưng Bộ Tài chính không đồng tình với phương án này, qua đó yêu cầu phải “đấu giá quyền góp vốn” chứ không đơn thuần muốn chọn ai thì chọn. Chính quyền hướng một đằng, cấp ngành nghĩ một nẻo, bất nhất quan điểm khiến tiến độ chung bị ảnh hưởng trầm trọng.
|
Ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Thành khẳng định: “Lĩnh vực nông nghiệp không hề đơn giản, không béo bở, không dễ xơi như những lĩnh vực khác. Bên ngoài nhìn vào tưởng dễ, phải ở trong cuộc mới thấu hiểu hết những gian nan. Quan trọng là ai đứng ra bỏ tiền, người bỏ tiền mới là người quyết định. Nói thì rất dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy vô cùng khó.
Bản chất là sợ mất vốn nhà nước, đây là quan điểm sai lầm. Thật tâm mà nói kể cả ra sức vận động đối tác còn chẳng mặn mà tham gia, huống hồ yêu cầu phải đấu giá quyền góp vốn”.
Xét riêng lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, nhiều người chung nhận định chỉ Tập đoàn TH và Tổng Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đủ sức đứng ra làm cổ đông chiến lược, nếu họ không nhập cuộc thì chẳng đơn vị nào đủ khả năng. Luận điểm này hoàn toàn sắc đáng, bằng chứng là suốt những năm qua chẳng một cái tên “ngoại tỉnh” nào manh nha ý tưởng "2 thành viên", thành thử mọi thứ cơ bản vẫn như thuở sơ khai.
Về phía mình, Công ty TNHH MTV Xuân Thành đã triển khai các bước đúng theo tinh thần chỉ đạo, dù vậy con đường phía trước hết sức mông lung. Đành rằng việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp đã hoàn thành nhưng đây mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ, chẳng thế khi hết hiệu lực (9 tháng – PV) nghiễm nhiên phải quay về vạch xuất phát:
“Họp bàn lần nào cũng thúc nội dung thẩm định giá, nên nhớ mỗi lần thẩm định mất 70 triệu đồng, kinh phí này ai chịu cho chúng tôi. Tốt nhất bao giờ có người yêu hẳn, cưới xin hẳn rồi thẩm định luôn một thể”, ông Minh ví von.
Đại diện các công ty trong diện sắp xếp thừa nhận, nguyên nhân sâu nhất khiến nhà đầu tư chiến lược không mặn mà chính là rào cản về mặt đất đai. Lấy Công ty TNHH MTV Xuân Thành làm ví dụ, đơn vị đã ký kết, giao khoán phần lớn quỹ đất cho các hộ sử dụng lâu dài theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, do đó quyết định trồng cây gì, nuôi con là của đối tượng được nhận khoán.
Trường hợp Cổ đông chiến lược chấp nhận lao vào cuộc chơi, đơn vị thực hiện chuyển đổi phải tuân theo chủ trương đề ra, phải bám quy hoạch. Về lý là vậy nhưng một khi quỹ đất đã bị “xé lẻ” hiển nhiên việc quy về một mối không phải là câu chuyện đơn giản có thể hoàn thành trong ngày 1 ngày 2.
Hai nữa, phải thấy rằng bản chất của doanh nghiệp là hướng đến lợi ích kinh tế, chỉ khi nhìn thấy tiềm năng thực sự họ mới sẵn sàng rót tiền đầu tư. Trong khi đó tình hình chung hiện tại không mấy khởi sắc, lúc này cả 3 Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần nông nghiệp 3/2, Công ty TNHH MTV 1/5 và Công ty TNHH MTV Xuân Thành) đều đang lao đao thấy rõ.
Nhắc đến thời hoàng kim, tầm 7 – 8 năm về trước nghề trồng cam vùng Phủ Quỳ hệt như “ngồi mát ăn bát vàng”. Giá cam lúc ấy cao ngất ngưởng, bình quân khoảng 50.000đ/kg, lúc đỉnh điểm vượt ngưỡng 100.000đ/kg vẫn không đủ nguồn cung.
Dù vậy do chồng chéo về mặt chủ trương, kết hợp với tình hình kinh doanh không thuận lợi khiến chủ trương lớn đứng trước viễn cảnh đứt gánh giữa đường. Ảnh: Việt Khánh. |
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành vốn là “cánh chim đầu đàn” với hơn 1.000 hộ tham gia, trong đó trồng cam chiếm gần phân nửa. Tùy vào quy mô, hàng năm mỗi hộ đút túi đều đặn đôi ba trăm triệu, nhiều gia đình sở hữu diện tích lớn thu về cả tỷ đồng hoặc hơn thế. Cây cam phát triển đều, thị trường được giá nên không khí nơi đây luôn nhộn nhịp như trẩy hội, tiếng người cười nói vang lên không ngớt.
Thấy bở ăn người trồng không ngần ngại vung tay, kể từ đây mọi thứ dần mất kiểm soát. Nguồn giống, vật tư trôi nổi; quá trình phun trừ vô tội vạ; quá trình kiểm soát lỏng lẻo… tất thảy dần dà đã hủy hoại trầm trọng môi trường xung, tệ đến mức chính những người trong cuộc phải thốt lên: Trồng cam lúc này là tự sát.
Trên thực tế, quá trình khảo sát nhà đầu tư chiến lược đã manh nha “vượt rào” bằng cách bàn tính chuyển đổi một số diện tích vốn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh sang trồng chè, đáp lại Sở NN-PTNT… gạt ngay tắp lự.
Tự thân vận động
Ông Lê Viết Minh chia sẻ, vừa qua công ty đã chi hơn 100 triệu đồng thuê cơ quan chuyên ngành phân tích chất đất, kết quả cho thấy hiện tại không thể trồng cam. Trước đó, hơn 400 ha cam đã chết sạch.
Hiện tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành kiên quyết không mở rộng diện tích trồng cam. Ảnh: Việt Khánh. |
Quan trọng hơn, trồng cam ra bán cho ai? Xuất phát từ nguyên do này nên dù có Nghị quyết Đảng bộ của tỉnh yêu cầu triển khai trồng 15.000 ha cây ăn quả có múi nhiệm kỳ 2021 - 2025 (riêng Xuân Thành được giao 500 ha) nhưng công ty kiên quyết nói không.
“Chúng tôi không chống lệnh mà chỉ căn cứ vào điều kiện thực tiễn mà thôi”, người đứng đầu Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành nêu rõ quan điểm.
Trong bối cảnh chủ trương lớn đang “đóng băng”, muốn hay không công ty buộc phải tự thân vận động để duy trì và sớm tìm ra lối thoát cho riêng mình. Nghĩ là làm, đến nay đợn vị đã từng bước chuyển đổi khoảng 200 ha sang trồng mía.
Họ ưu tiên trồng mía, xem đó là cứu cánh trong bối cảnh khốn khó. Ảnh: Việt Khánh. |
“Hiện tại chỉ có trồng mía mới mang lại kết quả, nếu không có gì biến động trong 2 – 3 năm tới Xuân Thành sẽ có khoảng 1.000 ha mía, dự kiến tổng doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ đồng, trừ chi phí vẫn còn phân nửa”, ông Lê Viết Minh tự tin.
Một lãnh đạo ngành nông nghiệp Nghệ An quả quyết: “Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp dẫu khó nhưng không phải không làm được, vấn đề là trên dưới phải đồng lòng, Trung ương, địa phương phải chung tay cùng doanh nghiệp. Trên thực tế, thời điểm đầu triển khai các bên liên quan đều hăng hái xắn tay vào làm đụng đến đâu vướng đến đó dần dà dẫn đến tâm lý buông xuôi”. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam