Thể thao

Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền: Chưa tròn chữ CHUYÊN!

Vụ việc một công ty trò chơi thuê Ngọc Hải quảng bá hình ảnh, trong đó lợi dụng cả việc lồng ghép việc đội trưởng ĐTQG khoác áo đội tuyển để làm thương hiệu vừa được dư luận một phen dậy sóng. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ngay lập tức đã lên tiếng cảnh cáo công ty này và khuyến cáo các tuyển thủ ý thức hơn về việc mình làm.

Sau khi sự việc của Ngọc Hải được đăng tải rộng rãi trên giới truyền thông, VFF đã phát ra thông báo: “Bản quyền các trận đấu của ĐTQG Việt Nam và hình ảnh ĐTQG Việt Nam thuộc quyền quản lý và sở hữu thương mại của VFF. Các đơn vị kinh doanh thương mại không được sử dụng hình ảnh ĐTQG Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được sự chấp thuận chính thức của VFF.

Việc một công ty game thời gian qua sử dụng hình ảnh ĐTQG Việt Nam trong hoạt động tập luyện, thi đấu để quảng bá cho game bóng đá khi chưa được sự đồng ý của VFF là vi phạm quyền sở hữu của VFF.

VFF đã yêu cầu chấm dứt sử dụng và tháo gỡ toàn bộ các nội dung liên quan tới hình ảnh ĐTQG Việt Nam ra khỏi clip tuyên truyền quảng bá của nhãn hàng game, cũng như yêu cầu không tạo dựng hình ảnh, lời thoại gây hiểu lầm đây là ĐTQG Việt Nam.

VFF yêu cầu các doanh nghiệp, các cầu thủ, thành viên ĐTQG tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu hình ảnh các đội tuyển bóng đá quốc gia, đã được quy định rõ tại Điều lệ LĐBĐVN, tránh lặp lại các vi phạm tương tự như trường hợp vừa qua”.

Khi liên hệ với Quế Ngọc Hải về câu chuyện này thì được biết ngay sau khi nhận thấy điều không bình thường trên clip quảng bá, đội trưởng ĐTQG Việt Nam đã lo ngại và đề nghị xóa bỏ. Ngọc Hải cũng xóa luôn clip giới thiệu cho nhãn hiệu này vì biết sẽ gặp phiền phức nếu duy trì trên trang cá nhân. Cựu cầu thủ SLNA đã có cho mình khá nhiều bài học về những đồng nghiệp trong quá khứ đã gặp rắc rối với vấn đề này. Gần nhất đó là trường hợp của Quang Hải khi tham gia đóng quảng cáo cho một công ty nước uống.

Vụ việc đáng tiếc của trung vệ Quế Ngọc Hải thêm lần nữa cho thấy bóng đá Việt Nam còn nhiều mặt chưa thực sự chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Linh

Cá nhân Ngọc Hải khẳng định đã yêu cầu phía công ty thuê mình đóng quảng cáo gỡ bỏ clip nhưng đơn vị này khẳng định đã xin phép VFF để được đăng tải những hình ảnh đó. Khi Ngọc Hải đã gỡ bỏ clip trên trang cá nhân, công ty trò chơi này vẫn nhất quyết duy trì hình ảnh vi phạm đó trên trang fanpage của mình.

Điều dễ nhận thấy nhất sau vụ việc này chính là sự thiếu chuyên nghiệp của những người liên quan. Từ Ngọc Hải cùng ê-kíp của mình rất mông lung về luật, để cho trung vệ Viettel lâm vào tình thế khốn đốn. Trung vệ này chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều về danh tiếng sau sự cố vừa qua.

Rõ ràng, nếu đọc kịch bản kỹ trước khi nhận lời đóng quảng cáo và làm đúng hợp đồng, Ngọc Hải chắc chắn tránh đi tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên như cầu thủ này cùng ê-kíp khẳng định, có thể đội trưởng ĐTQG đã bị “vào tròng” khi đối tác cam kết đã xin phép bản quyền hình ảnh ĐTQG với đơn vị sở hữu là VFF.

Việc công ty trò chơi này không chấp nhận xóa ngay clip vi phạm bản quyền trên trang mạng xã hội dù Ngọc Hải đã thực hiện trước đó cũng là một hình thức cố chấp. VFF không muốn nhắc đến tên công ty thực hiện điều này để tránh “PR miễn phí” cho thương hiệu đó vào chiều 3/9, nhưng cũng không có biện pháp cứng rắn làm lớn chuyện.

Ngọc Hải, VFF cùng công ty gây lùm xùm dư luận vừa qua đã chọn cách giải quyết trong êm thấm, đặc trưng của triết lý sống tình cảm “dĩ hòa vi quý”. Tuy nhiên, trong thời đại số hiện tại, bản quyền hình ảnh có thể ví như một kho báu mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu. Do đó, chỉ có luật lệ mới quản lý được vấn đề này.

Nếu VFF nhún nhường cũng có thể tạo ra tiền lệ xấu cho tương lai. Bởi đây không phải là lần đầu tiên một tuyển thủ quốc gia tham gia đóng quảng cáo vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển. Và cũng không phải lần đầu bóng đá Việt Nam chịu tổn hại bởi cách “đào mỏ” nghiệp dư mà các công ty muốn dùng hình ảnh ĐTQG để đút tiền vào túi riêng.

Sự nổi tiếng của đội tuyển U23 Việt Nam hồi năm 2018 sau kỳ tích Thường Châu đã giúp hàng loạt doanh nghiệp “ăn theo” để kinh doanh quảng cáo. Khi đó, VFF cũng phải ra văn bản đề nghị nhiều công ty chấm dứt lạm dụng hình ảnh đội tuyển U23 Việt Nam. Sức hút của thầy trò HLV Park Hang Seo từ đó đến nay luôn có giá trị cao trên thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam và chỉ cần lưu dấu thương hiệu của mình trong lòng người yêu bóng đá, thực sự nhiều doanh nghiệp sẽ sở hữu món lợi khó đong đếm.

Trở lại vấn đề của Ngọc Hải mở rộng ra không chỉ liên quan đến VFF mà từ clip vừa phản ánh, nó còn ảnh hưởng nguy hại cho cầu thủ này lẫn bóng đá Việt Nam khi sử dụng hình ảnh của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF, đơn vị sở hữu hình ảnh giải AFF Cup) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC, đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu lớn nhất châu lục Asian Cup). Nếu AFF hay AFC chưa gật đầu đồng ý cho công ty này sử dụng hình ảnh, cũng không xử lý kiểu nhắc nhở nhẹ nhàng mà sẽ là kiện tụng, Ngọc Hải cùng công ty trò chơi kia hứa hẹn sẽ đau đầu đối diện với rắc rối vì sự thiếu chuyên nghiệp của mình.

Một ý kiến của người đại diện cầu thủ hiện tại ở bóng đá Việt Nam cho biết: “Mấu chốt vấn đề Quế Ngọc Hải vừa qua nằm ở VFF. Họ nên tổ chức những buổi Workshop để cho các cầu thủ tự hiểu hơn và khỏi lăn tăn. Qua đó, tránh có những sai lầm không đáng tiếc và ít nhất là các cầu thủ cũng có ý thức là họ được quyền làm gì và cái gì không được làm”.

Tác giả: Việt Hà

Nguồn tin: Báo Thể thao & Văn hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP