Tháng 10/2019, Bộ Công an điều động, bổ nhiệm hàng loạt Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bến Tre.
Dưới sự điều hành của các tân giám đốc công an, hàng loạt băng nhóm tội phạm bị phanh phui, nhiều chuyên án được phá thành công.
Từ những vụ án này, dư luận cũng đặt ra câu hỏi tại sao ở các địa phương chỉ khi có tân giám đốc công an thì những băng nhóm xã hội đen lộng hành suốt thời gian dài mới bị triệt phá.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. |
Trả lời VTC News, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an cho rằng, thực tế trên phán ánh công tác giám sát, kiểm tra của cấp trên làm chưa tốt.
“Các cơ quan quan trung ương ở đâu, làm thế nào, đã làm đến tận cùng chưa, một năm về địa phương bao nhiêu lần, đã kiểm tra và phát hiện thế nào?”, tướng Cương đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu có sự giám sát chặt chẽ thì sẽ không có các băng nhóm tội phạm lộng hành thời gian dài như vậy.
Theo tướng Cương, ở đây có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội Vụ và cả Bộ Công an, các cơ quan này không chỉ bố trí cán bộ mà còn phải kiểm tra xem cán bộ hoạt động thế nào.
“Vụ việc ở Thái Bình, tại sao khi thay giám đốc công an mới là một thượng tá lại làm giỏi mà trước đây một đại tá lại không làm được, Bộ Công an phải vào cuộc thanh tra.
Điều này muốn nói công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên, của thành phố Thái Bình và của tỉnh Thái Bình là chưa đến nơi đến chốn.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”, trong khi ta đã có bộ máy khổng lồ của Đảng, Chính phủ.
Từ đây rút ra vấn đề đó là hệ thống giám sát quyền lực của ta có vấn đề. So sánh với những vụ việc như ở Đồng Nai, Đà Nẵng hay TP.HCM cũng như vậy, những cơ quan giám sát phải chịu trách nhiệm”, tướng Cương bình luận.
Cũng bình luận về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, khi vụ án Đường “Nhuệ” bắt đầu được phanh phui có câu chuyện Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình mới được bố trí, được điều động về mới làm được quyết liệt như vậy.
"Việc điều động các giám đốc công an tỉnh, thành mới sẽ tạo sự quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các địa phương.
Việc bổ nhiệm giám đốc công an các địa phương không phải người tại địa phương là chủ trương nhất quán của Bộ Công an đã thực hiện trong thời gian dài.
Tới nay theo tôi biết, các địa phương cơ bản có chuyện bố trí giám đốc công an không phải người địa phương.
Đây cũng là cách chúng ta phòng ngừa và ngăn chặn sự nảy sinh các quan hệ mang tính chất thân thiết, họ hàng, quan hệ mang tính chất giảm đi tinh thần quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các địa phương", ông Hồng nhận xét.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. |
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội, thông qua một số vụ án vừa xảy ra ở một số địa phương như vụ đánh bạc ở Phú Thọ, tình trạng tội phạm ở Đồng Nai, rõ ràng có dấu hiệu của sự làm ngơ, có thể có sự tiếp tay của cơ quan thực thi pháp luật cho những dạng tội phạm như Đường “Nhuệ”.
Đồng quan điểm, ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc đưa các giám đốc công an được lựa chọn từ nơi khác về đảm nhiệm các vị trí cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trọng điểm phản ánh hiệu quả đấu tranh của ban lãnh đạo cũ kém, không đạt được như mong muốn.
"Cán bộ mới về thì không phải chịu áp lực nào cả, không nằm trong nhóm nọ, bộ phận kia cho nên mới làm khách quan, vô tư và hoàn toàn có thể đấu tranh được.
Đây cũng chính là kinh nghiệm cho thấy rằng không được để cán bộ nào đó giữ ví trị ở một địa bàn quá lâu.
Tuy có mặt thuận là nắm vững địa bàn, am hiểu công việc nhưng ngược lại cũng có những vấn đề, như có thể đã hình thành các lợi ích nhóm", ông Trường nhận định.
Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đánh giá rất cao chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Bộ Công an thời gian qua. Việc này đã ngay lập tức phát huy tác dụng.
"Phải luân chuyển, điều động, khi phát hiện nếu có vấn đề mất đoàn kết hay chia rẽ nội bộ là phải sớm xử lý. Khi đưa cán bộ chủ chốt về, làm việc có trách nhiệm và vô tư trong sáng, không chịu áp lực của chuyện tiêu cực nào thì rõ ràng công việc đi vào quỹ đạo”, ông Lê Việt Trường nói.
Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. |
Nhấn mạnh việc Bộ Công an phải rất lưu tâm về công tác cán bộ, kể cả Trung ương và các tỉnh, thành phố, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với những địa phương để xảy ra tình trạng xã hội đen, ma túy, xảy ra nhiều trọng án cần đánh giá lại năng lực, trách nhiệm của công an địa bàn cũng như lãnh đạo cao nhất của công an địa phương đó.
Ông Nhưỡng cho biết, ông từng nêu trước Quốc hội vì sao có những địa phương để lượng ma túy lọt và đóng thùng, cả tấn nhưng giám đốc công an tỉnh lại không chịu trách nhiệm gì.
Tới nay, Bộ Công an vẫn chưa trả lời ông được câu hỏi này, câu trả lời mới chung chung, nhiều Giám đốc Công an ở địa bàn đó vẫn yên vị, chưa bị xử lý.
“Tôi đánh giá rất cao Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình mặc dù mới về, mới chịu trách nhiệm nhưng đã làm được một vụ án như vụ của Đường “Nhuệ”.
Một số nơi có địa bàn phức tạp, cơ quan chức năng phải xem xét trong thời gian sắp tới nếu giám đốc công an sắp về hưu hay trong thời kỳ này có nên thay Giám đốc đó không, có quyết liệt không.
Chúng ta phải lấy vụ việc này là một trong những vấn đề để rút kinh nghiệm cho công tác cán bộ của ngành công an nói chung cũng như công an một số địa phương, địa bàn trọng điểm nhằm bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là trấn áp xã hội đen”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Tác giả: XUÂN TRƯỜNG - NGUYỄN HUỆ
Nguồn tin: Báo VTC News