|
Tại Phiên họp thường kỳ Quý IV/2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia hôm 27/12, đánh giá về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2019, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, cơ quan tài chính địa phương tiếp tục đôn đốc quản lý thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.
Đến nay, tổng thu NSNN tăng 8,4% dự toán và vượt 117.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW vượt khoảng 4%, so với dự toán khoảng 33.000 tỷ đồng.
Mục tiêu thu NSNN mà ngành tài chính đặt ra từ đầu năm cho năm 2019 là vượt 5% dự toán. Năm 2018, thu NSNN đã vượt 7,8% so với dự toán, tương đương vượt 103.500 tỷ đồng. Năm 2017, số thu NSNN vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán.
Liên quan đến công tác điều hành chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2019, chi NSNN đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, chi an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, thị trường chứng khoán tương đối ổn định, đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến phức tạp như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá cả hàng hóa thế giới biến động và những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, các lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế, tăng cường xử lý nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, gian lận thương mại xuất xứ hàng hóa…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm về điểm nghẽn trong đầu tư công, tập trung tháo gỡ về giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Quản lý thuế, phấn đấu nâng hạng thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu các tổ chức trung gian trên thị trường. Tái cơ cấu kinh tế cần phải đi vào thực chất hơn nữa, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN…
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam