Một góc khu tái định cư Vườn Xoài |
Huyện “tự ý” giao đất sai đối tượng
Năm 2012, Khu TĐC Vườn Xoài (thuộc khối Hòa Nam, thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương) được Nhà máy Thủy điện Khe Bố đầu tư xây dựng trên diện tích 1,8ha, với 60 suất đất cho 60 hộ gia đình bị ảnh hưởng do thi công nhà máy thủy điện Khe Bố. Sau khi triển khai xây dựng, đầu năm 2014, chỉ có 16 hộ gia đình được phê duyệt vào sinh sống, một số đã tự tìm được nơi ở mới.
Trước việc để dư ra một số lô đất trên địa bàn, ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (thời điểm đó là ông Trịnh Minh Châu) có thông báo về việc giao đất theo hình thức định giá các lô đất nói trên.
Các đối đượng được xét giao đất là hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện nhưng chưa có nhà ở, đất ở và phải thuộc một trong các đối tượng được ưu tiên quy định tại khoản 1, điều 1 của Quyết định 113/2009 ngày 16/12/2009 của UBND tỉnh Nghệ An.
Nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên tại khu tái định cư |
Ngày 29/5/2014, huyện Tương Dương ra Quyết định số 689 về việc phê duyệt danh sách các đối tượng được giao đất theo hình thức định giá tại khu tái định cư Vườn Xoài đối với 43/60 lô đất còn lại. Đáng nói, trong số 43 đối tượng được phê duyệt danh sách được cấp đất định giá lần này thì có đến 20 người là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và thị trấn.
Điều này cũng thể hiện trong công văn 258 ngày 6/5/2014 do ông Trịnh Minh Châu gửi Thường trực HĐND huyện Tương Dương về đề nghị cho chủ trương xét bổ sung đối tượng giao đất theo hình thức định giá.
Công văn có đoạn: “Qua quá trình xét duyệt, Hội đồng tư vấn đã xét cho 43 hộ gia đình, cá nhân tuy nhiên chỉ có 18 hộ có đủ tiêu chuẩn theo khoản 1, điều 1, quyết định số 113/2009. Có 5 hộ thuộc diện tái định cư do xây dựng một số công trình dự án, còn lại 20 hộ được xét nhưng không đúng đối tượng giao đất theo quy định.
Vì vậy để tăng thêm nguồn thu từ đất cho ngân sách, giải quyết chỗ ở cho các hộ gia đình có nhu cầu, UBND huyện đã đề nghị Thường trực HĐND huyện xem xét, quyết định cho phép UBND huyện được phép xét bổ sung đối tượng xin giao đất theo hình thức định giá cho 20 hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức... đang công tác trên địa bàn huyện đã có đơn xin giao đất hiện đang khó khăn về nhà ở”.
Dù công văn gửi đi không có văn bản trả lời nhưng 20 hộ trên đã được giao đất. Mua đất định giá xong, một số cán bộ không sử dụng mà bán cho người khác.
Là một trong 20 trường hợp “đặc cách”, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Bình Vi Hồng Dương thừa nhận: “Khi đó huyện giao đất định giá cho các cán bộ chưa có nhà ở, cán bộ miền xuôi lên công tác chưa có nơi ở để mua đất làm nhà. Tuy nhiên, không ai có tiền mua. Sau đó huyện vận động cán bộ thị trấn, cán bộ huyện lấy hộ, chứ không có ai mua. Gia đình tôi cũng vay mượn ngân hàng, bạn bè mua một lô đất ở có diện tích 200m2 với giá hơn 115 triệu, mới bán năm 2018. Ngoài tôi thì nhiều cán bộ thị trấn như bí thư, cán bộ địa chính của thị trấn cũng được vận động mua đất”.
Chủ đầu tư không biết, chính quyền né tránh báo chí
Tại khu tái định cư Vườn Xoài hiện nay, số ngôi nhà tái định cư của người dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn đã được bán lại. Nhiều ngôi nhà bề thế mọc lên, khác với quang cảnh thường gặp ở những khu tái định cư hay khu đất định giá khác. Dư luận có ý kiến không đồng tình với việc đất định giá lại được giao cho những cán bộ chính quyền không đúng đối tượng.
Khu tái định cư nhiều nhà cao sang khác với những khu tái định cư khác |
Về việc này, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết, dự án tái định cư Vườn Xoài một phần được cấp cho người dân TĐC do bị ảnh hưởng của Thủy điện Khe Bố. Số còn lại sau đó được giao đất định giá theo chủ trương của huyện.
Huyện đã thông báo rộng rãi đến các xóm bản, người dân là đối tượng đủ điều kiện muốn mua đất định giá và tiến hành xét duyệt. Thời điểm đó, số người mua đất cũng ít, nhu cầu ít nên huyện cũng đã xin ý kiến để giao đất cho 20 trường hợp là cán bộ không đúng đối tượng để họ ổn định chỗ ở.
Nhưng theo ông Phan Thế Chuyền, Giám đốc Ban quản lý dự án Thủy điện Khe Bố, thời điểm đó thi công hạ tầng xong thì Thủy điện bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý nên cũng không nắm rõ được việc bán đất định giá. Ông Chuyền cho hay, nếu phía địa phương muốn sử dụng đất để giao đất định giá thì phải có báo cáo với chủ đầu tư, nhưng Thủy điện không nhận được thông báo nào.
Vậy việc “đặc cách” giao đất tái định cư ở huyện Tương Dương có đúng hay không? Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, Báo PLVN đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nhưng vị này yêu cầu “phải đặt lịch”.
Tuy nhiên, đã hơn một tháng “đặt lịch” trôi qua, Báo PLVN vẫn chưa nhận được hồi âm từ lãnh đạo chính quyền huyện Tương Dương.
Chuyện chưa kể về vợ chồng phát 1000 suất cơm tiếp sức dập lửa cứu rừng
Tác giả: Ngô Toàn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam