Trong tỉnh

511 liệt sỹ là nhà báo hy sinh trong chiến tranh chưa có bia tưởng niệm

Tưởng niệm 73 năm ngày thương binh liệt sỹ, chùa Âu Lạc kết hợp với Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An tổ chức đại lễ tưởng niệm, cầu siêu các anh linh Anh hùng liệt sỹ là những nhà báo cách mạng.

Chiều và đêm (27/7), tại chùa Âu Lạc, P.Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An long trọng tổ chức đại lễ cầu siêu cho 511 nhà báo báo cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Nhà báo Trần Văn Hiền (71 tuổi) -Trưởng VP đại diện Tạp chí Người Làm Báo tại Nghệ An (nguyên Phó TBT Báo Nghệ An) cho biết, ông là phóng viên chiến trường từ năm 1969 đến 1972 ở Quảng Trị và Lào. Bản thân đến nay đã xuất bản 2 quyển sách “Khoảnh khắc và mãi mãi” và “Dáng đứng dưới tầm bom” viết về các nhà báo liệt sỹ.

Ông Hiền kể, sau 15 năm sưu tầm danh sách các nhà báo liệt sỹ trên cả nước, đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 511 nhà báo tại bảo tàng.

Nhà báo Trần Văn Hiền (phải); Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Âu Lạc (áo vàng) trước buổi lễ cầu siêu

“Làm báo trong chiến tranh càng khốc liệt, sự sống và cái chết hết sức mong manh. Những hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Họ không những cấm máy tác nghiệp mà con cầm súng để chiến đấu với kẻ thù” - nhà báo Văn Hiền tâm sự.

Sự hy sinh của những anh hùng nhà báo vì bom đạn tại mặt trận và cả việc đi theo các đơn vị bộ đội chiến đấu, khi hy sinh không được ai đưa vào danh sách.

Ông Hiền trăn trở, đến bây giờ chưa có một nghĩa trang nào cho nhà báo. Đây là hy sinh lớn nhất của người làm báo ở chiến trường. Phần lớn các anh đều không có mộ chí, không tìm được hài cốt của họ. Chỉ có con số hy sinh ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) trở ra là có mộ phần.

Tâm nguyện được dựng bia nhà báo liệt sỹ

“Bản thân tôi từng là phóng viên chiến trường từ năm 1969 đến 1972, tại chiến Quảng Trị và Lào. Năm 1972, tôi cùng 5 anh em các báo đi vào chiến trường thì có 4 người đã hy sinh gồm Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dũng, Lê Văn Bằng, Hồ Đình Nhu, và chỉ có Đoàn Công Tính và tôi là sống sót trở về” - ông Hiền nhớ lại.

Đoàn công tác 6 người công tác ở Xưởng phim Quân đội; Báo Quân đội Nhân dân; Thống tấn xã Việt Nam và Báo Nghệ An.

Nhà chùa Âu Lạc tại buổi lễ cầu siêu các chư vị anh linh Anh hùng liệt sỹ

511 liệt sỹ là nhà báo hy sinh trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ chưa có bia tưởng niệm.

Ông Hiền đặt vấn đề, tại sao liệt sỹ nhà báo lại không tìm thấy mộ? Vì cơ quan báo chí quản lý trực tiếp thiếu thông tin về phóng viên của mình khi tác nghiệp trên chiến trường. Mặt trận tác nghiệp của các nhà báo khốc liệt, phần lớn là đi phối hợp với các đơn vị chiến đấu. Đến khi hy sinh thì không được đưa vào danh sách của đơn vị chiến đấu.

Mãi đến 1995, khi có Nghị định 28 của Chính phủ về người có công với đất nước thì mới tổ chức đi tìm mộ của liệt sỹ đã thất lạc.

Các phật tử và nhà chùa trong buổi lễ cầu siêu các chư vị anh linh Anh hùng liệt sỹ nhà báo cách mạng

“Mong muốn các đồng nghiệp, cơ quan báo chí nên mở cuộc vận động viết về tấm gương nhà báo liệt sỹ nhiều hơn nữa. Và, dựng bia tưởng niệm liệt sỹ là nhà báo tại các chiến trường khốc liệt Tây Ninh; miền Đông Nam Bộ; Khu VI; Khu V và Quảng Trị - T.T.Huế” - tâm nguyện Nhà báo Trần Văn Hiền.

Trụ trì chùa Âu Lạc (chùa Da), Đại đức Thích Đồng Tuệ chia sẻ: Với tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và tri ân, báo ân của người đệ tử Phật, chúng tôi cùng những người làm báo tại Nghệ An tổ chức đại lễ tưởng niệm kỳ siêu chư anh linh chiến sỹ nhà báo cách mạng Việt Nam.

Với mong muốn các Anh hùng liệt sỹ nhà báo đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và Mỹ được nhẹ nhàng siêu thoát, gia hộ cho đất nước Việt Nam luôn được hùng cường, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Tác giả: Quốc Huy

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP