Trong tỉnh

Phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng, lò gạch thủ công vẫn nhả khói giữa xã Nông thôn mới

Tuy đón nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới từ tháng 9/2015 nhưng thời gian qua, trên địa bàn xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn còn thực trạng lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về xóa bỏ lò gạch thủ công.

Từ phản ánh của người dân địa phương, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường có mặt tại xóm 7, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An tìm hiểu về thực trạng trên.

Từ đường tỉnh lộ 15, men theo đường đất đỏ au vào chừng 100m là phóng viên tiếp cận được lò gạch thủ công ở xóm 7, xã Nghĩa Khánh.

Lò gạch thủ công vô tư nhả khói giữa xã Nông thôn mới Nghĩa Khánh.

Trên một nền đất bằng phẳng rộng nhiều héc – ta, những dãy gạch ước tính hàng vạn viên được nhân công xếp ngay ngắn, chờ đưa vào lò nung. Cách đó không xa, tốp nhân công chừng 6 người đang cắt đất sét đưa vào khuôn ép ra những viên gạch rồi mang ra bãi xếp ngay ngắn. Tại đây, một đống đất sét chất cao ngất, trải dài đang chờ người ta cho vào khuôn tạo gạch.

Cạnh đó, một lò gạch thủ công cỡ lớn chứa khoảng 4-5 vạn viên đang đỏ lửa. Trên nóc lò, những khe hở dưới mái phên che mưa nắng đang nhả khói hết công suất. Bên phải lò, nhiều gốc, thân cây gỗ lớn không rõ nguồn gốc được đưa về đây tập kết, chờ đem đốt lò nung gạch. Sát bên cạnh, một lò vòng cải tiến cũng đang được chất đầy củi, chuẩn bị đỏ lửa.

Điều đáng nói, lò gạch thủ công này hoạt động công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”, cách khu dân cư không xa khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có hay không một sự “nương tay” của chính quyền địa phương?

Một người dân sinh sống gần đó cho biết, khi lò gạch này đỏ lửa, mùi khét của đất sét rất khó chịu. Ngoài ra, khi có gió thổi mạnh, khói bụi từ các lò gạch này còn bay khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Phan Văn D., chủ lò gạch thủ công đang đỏ lửa, nhả khói tại xóm 7, xã Nghĩa Khánh phân bua: “Nhà tôi xin chính quyền làm vài hôm nữa để tận dụng hết nguyên liệu rồi nghỉ thôi”.

Tuy nhiên, qua số lượng gạch chưa nung đang tập kết và đống đất sét cao như núi tại lò gạch này, phóng viên nhẩm tính phải mất một thời gian dài, ông Dũng mới có thể tận dụng hết nguồn nguyên liệu hiện có tại lò gạch này.

Ông Lê Viết Xường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh cho biết, hiện tất cả các lò gạch thủ công trên địa bàn đã chấm dứt hoạt động và bị tháo dỡ.

Nhiều gốc, thân cây to, không rõ nguồn gốc được chất đống để làm chất đốt tại lò gạch của ông D.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập thực trạng lò gạch thủ công của ông Phan Văn D. tại xóm 7, xã Nghĩa Khánh vẫn ngày đêm đỏ lửa, vô tư nhả khói, ông Xường lại nói: “Lò đó phía xã và phòng Kinh tế – Hạ tầng của huyện đã có công văn đình chỉ rồi. Chắc do xa trung tâm xã, ít người đến nên họ làm trộm thôi!”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi phía chính quyền có thường xuyên kiểm tra lò gạch này hay không, người đứng đầu UBND xã Nghĩa Khánh cho biết: “Thỉnh thoảng đi qua rồi ghé vào đó nhưng không thấy hoạt động. Có khả năng giờ thời tiết khô hanh nên họ lợi dụng, lén lút hoạt động thôi?”.

Trong khi đó, theo nguồn tin của phóng viên, lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò vòng của huyện Nghĩa Đàn hạn cuối cùng là cuối năm 31/12/2017 là phải xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện, cụ thể tại xóm 7, xã Nghĩa Khánh vẫn còn lò gạch thủ công đỏ lửa, nghi ngút khói.

Nhóm nhân công đang hăng say lấy đất sét đúc gạch mới.

Trước đó, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 567/QĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4325/QĐ.UBND-XD với nội dung trọng tâm xóa bỏ các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến. Tiếp đó, ngày 1/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung thủ công và tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh.

Theo Chỉ thị này, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, xác định lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công cụ thể cho từng huyện và tổ chức thẩm tra, xem xét, có văn bản thỏa thuận trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/6/2013; tổng hợp trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh đúng quy định. Yêu cầu lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công của từng huyện, thành phố, thị xã phải phù hợp với Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 24/6/2010 của UBND tỉnh và quy định hiện hành liên quan của Trung ương, địa phương.

Qua các văn bản nêu trên để thấy, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An cũng như các ngành chức năng liên quan đã chỉ đạo kịp thời việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương trong toàn tỉnh. Đến thời điểm này, một số huyện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc “xóa sổ” các lò gạch thủ công cách đây nhiều năm. Thế nhưng, hiện còn một số địa phương như xã Nông thôn mới Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) vẫn chưa quyết liệt hoặc cố tình “nương tay” để lò gạch thủ công tiếp tục nhả khói.

Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1469/QĐ-TTg về lộ trình chấm dứt hoạt động các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo Quyết định này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau:

Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục.

Tác giả: Duy Ngợi

Nguồn tin: Báo Bảo vệ rừng và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP