Giáo dục

Phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho 1.188 nhà giáo

Có 1.188 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Lễ trao tặng danh hiệu diễn ra vào ngày 17-11.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo trong việc tiếp tục hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - Ảnh: TTXVN

Danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú được xét và trao tặng cho các nhà giáo có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục và cho học sinh.

Trong 1.188 nhà giáo được trao tặng lần này, có nhiều người có đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Nhiều người được ghi nhận vì các việc làm cụ thể vì học sinh trong môi trường làm việc nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ngoài các danh hiệu trên từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, có lan tỏa tích cực trong toàn ngành.

Trong 8 năm qua, đã có 1.851 nhà giáo được xét chọn. Năm 2024 có 251 nhà giáo được chọn là nhà giáo tiêu biểu trong năm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 2040/QĐ-BGDĐT ngày 31-7-2024 về quy chế xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu" và được tổ chức 2 năm/lần, thực hiện từ năm 2024.

Chia sẻ cảm xúc khi được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, cô Vũ Thị Hạnh - phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên, Yên Bái) nói:

"Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách. Vì điều đó nên trong suốt 34 năm đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, những đổi thay nhưng tôi cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh".

Phát biểu tại lễ trao danh hiệu và tri ân các thầy cô giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ:

"Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.

Để đạt được danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong cuộc đổi mới giáo dục đang triển khai hiện nay, vai trò của con người rất quan trọng. Trong đó các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân là hạt nhân để lan tỏa kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo tới cộng đồng nhà giáo để tạo nên sức mạnh chung giúp ngành giáo dục bứt phá.

Danh sách nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân

1. PGS.TS Phạm Văn Bổng, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ Công Thương

2. TS Trần Đức Cân, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương

3. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng

4. PGS.TS Vũ Thanh Hiệp, phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng

5. GS.TS Trần Văn Phòng, giảng viên cao cấp Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

6. GS.TS Từ Quang Hiển, giảng viên cao cấp, khoa chăn nuôi thú y, Trường đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo

7. GS.TS Nguyễn Ngọc Long, hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là giảng viên cao cấp Trường đại học Giao thông vận tải)

8. GS.TS Phạm Huy Khang, giảng viên cao cấp bộ môn đường ô tô và sân bay, khoa công trình, Trường đại học Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo

9. GS.TS Đinh Xuân Khoa, giảng viên cao cấp, khoa vật lý, Trường đại học Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo

10. GS.TS Trần Đăng Xuyền, nguyên giảng viên cao cấp, khoa ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo

11. GS.TS Vũ Anh Tuấn, nguyên trưởng bộ môn văn học Việt Nam 1, khoa ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo

12. GS.TS Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế quốc dân)

13. GS.TS Trần Thị Vân Hoa, giảng viên cao cấp, khoa khoa học quản lý, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo

14. GS.TS Ngô Thắng Lợi, giảng viên cao cấp, khoa kế hoạch và phát triển, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo

15. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, phó hiệu trưởng Trường đại học Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện nay là giảng viên cao cấp Trường đại học Thương mại)

16. GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên giảng viên cao cấp, nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

17. Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định

18. Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Vân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

19. Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, chủ tịch Hội đồng trường, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội

20. Nhà giáo Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

21. Nhà giáo Vũ Thị Hạnh, phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái

Tác giả: Vĩnh Hà

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP