Giáo dục

"Phong bì không hề xấu, chỉ xấu khi phụ huynh dùng để mua chuộc giáo viên"

"Tết thầy cô bằng phong bì không hề xấu, nó chỉ xấu khi phụ huynh dựa vào đó để mua chuộc giáo viên, giáo viên vì món quà mà phân biệt, đối xử các em", cô giáo Nga nói.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng, chúc Tết bằng phong bì "làm hư" giáo viên, là gánh nặng ngày Tết, nhiều người theo "chủ nghĩa phong bì" lại thấy việc lì xì giáo viên ngày Tết không xấu, của tặng không bằng cách tặng.

"Phong bì không hề xấu, chỉ xấu khi phụ huynh dùng để mua chuộc giáo viên"

Cô Nguyễn Thị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - một giáo viên tiểu học tại Hà Nội kể lại, ngày giáp Tết năm ngoái, một học sinh xách túi quà to lên bục giảng và dõng dạc: "Thưa cô cho em nộp". Cô Nga hỏi: "Em nộp gì?". Học sinh này đáp: "Thưa cô em không biết, bố mẹ em bảo đưa cho cô".

Mở chiếc túi, cô Nga thấy một giỏ quà Tết và chiếc phong bì trắng, không ghi bất kỳ thông tin gì. Cô gửi lại học sinh và dặn em mang về cho bố mẹ, "Cô cảm ơn nhưng cô không biết bố mẹ nhờ em đưa cho cô làm gì?", cô Nga nói.

Phụ huynh tặng quà đừng làm thầy cô khó xử (Ảnh minh họa: H.N).

Buổi tối hôm đó, mẹ của học sinh này gọi điện giải thích đây là quà Tết, do gia đình bận nên không trực tiếp tặng cô được. Vị phụ huynh trách cô kỹ tính quá, ngày mai sẽ gửi con tặng lại cho cô.

"Nhưng tôi kiên quyết không nhận. Tôi bảo nếu anh chị bận thì chỉ cần gọi điện chúc Tết tôi là được. Anh chị tặng quà mà một dòng chữ chúc mừng năm mới cũng không có, tôi không dám nhận.

Thầy cô chúng tôi chỉ mong nhận được những món quà chân thành. Quà Tết giáo viên bằng phong bì cũng không hẳn là tiêu cực, nhưng phụ huynh đừng đưa chúng tôi vào thế bị động, giơ cây roi lên dạy các em mà nghĩ tới món quà lại phải hạ cây roi xuống", cô Nga nói.

Cô Nga cho biết, là cô cũng là một phụ huynh có con học mầm non. Tết nào cô cũng tặng quà các thầy cô của con mình kèm theo chiếc phong bì. Nhìn nhận dưới góc độ một giáo viên, cô không mong vì phong bì mà con mình được ưu ái hơn các bạn.

Là giáo viên nên cô hiểu nỗi vất vả của các cô giáo mầm non phải "làm mẹ" của mấy chục học sinh, chịu áp lực từ phụ huynh nếu chẳng may con họ gặp vấn đề gì.

"Dịp Tết, nhất là mùng 3 Tết là cơ hội để học sinh, phụ huynh tri ân những vất vả của thầy cô. Dù bằng lời chúc, bó hoa hay phong bì thì cũng nên xuất phát từ chính sự biết ơn của mình. Tết thầy cô bằng phong bì không hề xấu, nó chỉ xấu khi phụ huynh dựa vào đó để mua chuộc giáo viên, giáo viên vì món quà mà phân biệt, đối xử các em", cô Nga nói.

Quà Tết thầy cô là gì không quan trọng, miễn là xuất phát từ lòng biết ơn, thái độ tôn trọng (Ảnh minh họa: D.N).

Cô Nguyễn Thanh Hằng - giáo viên THCS ở Thái Nguyên cho rằng, việc phụ huynh đã rục rịch trao đổi xem nên tặng quà gì cho thầy cô dịp Tết này không hẳn là tiêu cực, họ đã có lòng nghĩ đến giáo viên và muốn tốt cho con em mình.

"Quà Tết bằng hình thức nào cũng tốt, miễn là nó xuất phát từ sự biết ơn, tôn trọng của phụ huynh với giáo viên. Phụ huynh không nên nặng nề việc quà cáp, đừng nghĩ chiếc phong bì tác động đến sự quan tâm của thầy cô, để con em mình được ưu tiên. Không nhiều giáo viên vì món quà mà trọng em này, khinh em nọ", cô Hằng nói.

Theo cô Hằng, chiếc phong bì không xấu, nó là món quà thiết thực. Tuy nhiên, phụ huynh dù khá giả cũng không nên tặng thầy cô phong bì có giá trị quá lớn, không "chạy đua" theo nhau để phong bì của mình không kém người khác. Điều đó vô tình gây áp lực lên chính người nhận.

"Nếu phụ huynh lì xì thầy cô thay vì tặng hiện vật, thì chiếc phong bì nên có giá trị vừa phải, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Món quà quá lớn khiến chúng tôi cảm giác bị mắc nợ nhiều hơn là được tri ân, mất đi sự tự tin của một người thầy trước học sinh và cha mẹ các em. Đôi khi, nghĩ cho phía người nhận trong việc này đã là một sự tôn trọng, một món quà lớn đối với giáo viên", cô Hằng nói.

"Tặng quà Tết giáo viên phong bì là hợp thời, không làm giảm giá trị thầy cô"

Anh Đinh Văn Phúc - một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ, việc phụ huynh Tết thầy cô có nhiều mục đích khác nhau. Có người muốn tặng quà để mong giáo viên quan tâm con em mình hơn, có người tặng vì quý mến thầy cô, quan tâm thầy cô trong dịp Tết cổ truyền.

Tết giáo viên bằng phong bì không làm giảm vị thế của họ nếu mục đích tri ân là trong sáng (Ảnh minh họa: Q.T).

Đôi khi, phụ huynh tặng những món quà mà thầy cô không có nhu cầu sử dụng hoặc không thích. Như vậy là lãng phí, không thiết thực.

"Khi con tôi học cấp 1, tôi thường Tết thầy cô của con bằng tiền bỏ trong bao lì xì kèm theo lời chúc. Khi con lên cấp 2, tùy vào hoàn cảnh giáo viên, tôi sẽ tặng những món quà phù hợp.

Nếu thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, tôi viết thiệp chúc Tết, gửi lời cảm ơn đến họ kèm theo đó là phong bì 500 nghìn đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng tôi thật lòng mong các thầy cô có thêm một chút để sắm Tết cho gia đình, bớt một phần gánh nặng kinh tế khi lương giáo viên còn thấp. Lúc này, chiếc phong bì là hợp thời, không làm giảm giá trị thầy cô.

Với thầy cô có điều kiện hơn, tôi thường mua hoa hoặc quà gửi kèm tấm thiệp chúc Tết, không có phong bì. Đó là những món quà từ tâm, người tặng và người nhận đều cảm thấy vui vẻ", anh Phúc chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Phúc, anh Nguyễn Văn Hoàn (Bắc Ninh) cũng cho rằng, nhiều giáo viên còn khó khăn, thưởng Tết của họ không đáng là bao. Vì vậy, một chút quà, tiền mặt dịp Tết là cách để phụ huynh chia sẻ những vất vả với thầy cô. Khi thầy cô được quan tâm, họ thêm yêu công việc, càng hết lòng với học sinh của mình.

Tết đến, anh Hoàn mua thiệp, dạy các con tự viết lời chúc gửi đến thầy cô. Nếu không thể gặp trực tiếp, anh sẽ giao nhiệm vụ tri ân cho các con. Anh dạy con phải tặng quà bằng 2 tay, nói lời chúc Tết và cảm ơn thầy cô đã dìu dắt con trong một năm qua. Trước đó, anh đã gọi điện chúc Tết và xin phép nhờ con gửi món quà đến thầy cô.

"Của tặng không bằng cách tặng. Lần nào tặng quà, tôi cũng nói thẳng rằng chiếc phong bì của tôi không thể trả hết công ơn thầy cô đã dạy con nên người, cũng không giúp thầy cô giàu lên được. Tôi cũng không mong các vị vì món quà này mà ưu ái con tôi hơn các bạn khác", anh Hoàn cho biết.

Chị Mỹ Linh (tên nhân vật đã được thay đổi) có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội, là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của lớp 2 năm nay cho biết, chuyện quà cáp ngày Tết đang là một gánh nặng cho nhiều người, nhất là vào dịp Tết ai cũng bận rộn. Bản thân chị thường phải bỏ dở công việc để hoàn thành trách nhiệm của một trưởng ban đại diện CMHS.

Để món quà ngày Tết có ý nghĩa, tránh mang tính hình thức, chị Linh cho rằng các trường cần quy định gỡ bỏ việc ban đại diện CMHS phải có trách nhiệm thay mặt lớp chúc Tết giáo viên. Nếu cha mẹ nào biết ơn thầy cô đã dạy dỗ các con thì hãy tự bày tỏ theo cách của mình. Món quà hay chiếc phong bì ngày Tết là tấm lòng, không phải nghĩa vụ mà các phụ huynh phải nhờ vả ban đại diện.

"Việc ban đại diện CMHS đứng ra chúc Tết giáo viên thay cho cả lớp làm giảm ý nghĩa của hoạt động tri ân. Có những phụ huynh chỉ biết nộp tiền mà không quan tâm món quà tặng thầy cô là gì, ý nghĩa ra sao", chị Linh nói.

Tác giả: Quang Trường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP