Trong nước

'Phải năn nỉ doanh nghiệp chọn phương án giá cao để cứu cán bộ'

Liên quan phương pháp định giá đất, phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam dẫn việc phải đi năn nỉ doanh nghiệp để chọn phương án giá cao nhất nhằm cứu cán bộ.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Ảnh: GIA HÂN

Nếu giá khác nhau sẽ lấy giá nào, hay lấy giá cao nhất?

Nêu ý kiến tại buổi lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 4-8, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đồng tình với các phương pháp định giá đất nêu trong dự thảo nhưng vẫn băn khoăn khi mỗi phương pháp định giá lại cho ra một giá khác nhau.

Theo bà Vân, cần quy định rõ nếu giá khác nhau sẽ lấy giá nào hay lấy giá cao nhất và dẫn chứng khi họp các lãnh đạo thường nói cán bộ toàn tham mưu để doanh nghiệp không tiếp cận được dự án (chọn phương pháp để giá cao nên doanh nghiệp không tiếp cận được - PV).

"Chúng tôi chọn phương pháp nào ổn, phù hợp cho doanh nghiệp (chọn giá thấp - PV) thế là thanh tra, công an vô bắt, hỏi tại sao lại chọn phương án giá thấp.

Vì thế, khi tham gia giải quyết vụ việc, có trường hợp phải đi năn nỉ trở lại doanh nghiệp để chọn phương án giá cao nhất nhằm cứu cán bộ, trong khi cán bộ không làm gì tiêu cực", bà Vân kể và đề nghị áp dụng phương pháp nào, cơ chế nào phải quy định rõ.

Bà cũng cho rằng nên quy định rõ với dự án nhà ở thương mại sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa, chỉ thực hiện thông qua hình thức thu hồi rồi đấu giá quyền sử dụng đất, bởi thực tế các dự án này thường lấy đất nông nghiệp. Nếu quy định dưới 10ha là trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất có thể dẫn đến "lách luật".

Trong khi giá đất nông nghiệp trả cho người dân thường thấp hơn nhiều lần so với giá nhà ở thương mại, dẫn đến thiệt thòi cho người dân, gây nhiều hệ lụy cho xã hội do dân mất sinh kế sau bán đất, thất thu cho ngân sách.

Cần thiết kế các "van, khóa" của các phương pháp định giá đất

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết với tư cách cơ quan thẩm tra, ông ủng hộ bổ sung phương pháp thặng dư vào dự thảo luật, với điều kiện phương pháp này phải tiến hành cùng phương pháp khác để có sự so sánh.

Nhắc lại câu chuyện bà Vân vừa kể, ông Thanh đặt vấn đề khi đưa ra nhiều phương pháp để định giá đất thì chọn giá nào; khi không chọn phương án có giá cao, cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào thì sao...

Trước thực tế phải vận động doanh nghiệp chọn giá cao hơn để cứu cán bộ, ông đề nghị phải tìm hướng để xử lý.

Báo cáo sau đó về việc định giá đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết nội dung này hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau.

Với tư cách là cơ quan soạn thảo, ông Ngân đồng ý đưa các phương pháp định giá đất quy định tại Luật Đất đai, nhưng phải thiết kế các "van, khóa" để hạn chế thiếu sót đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Luật Đất đai.

"Ví dụ phương pháp này, phương pháp kia có sai số nhiều, gây thất thu cho Nhà nước, mất cán bộ, có sơ hở bắt tay với người định giá… Chúng tôi cố gắng thiết kế để có cách đối chiếu, so sánh, tìm ra phương pháp tính đúng, tính đủ, phù hợp với thị trường", ông Ngân khẳng định.

Ông cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bởi đây là "cây gậy" để kiểm soát quyền lực, đã được phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thu hồi đất.

"Không có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, anh muốn lấy chỗ nào thì lấy, người dân rất bị động. Mà cái đó cũng rất tùy tiện cho quan chức", ông Ngân nói.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP