Trong nước

Làm rõ vấn đề khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, chế độ phụ cấp đối với cán bộ luân chuyển, biệt phái

Đối thoại với hơn 1.000 Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đã trao đổi, làm rõ các vấn đề về chế độ phụ cấp đối với cán bộ luân chuyển, việc phát triển đảng viên tại vùng miền núi…

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu trao đổi, làm rõ các vấn đề các đại biểu quan tâm

Trao đổi về tâm tư của mình, đồng chí Lê Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, cho biết là cán bộ cấp huyện được luân chuyển, điều động về cơ sở, tuy nhiên sau khi thực hiện luân chuyển thì mức lương từ 14 triệu đồng giảm xuống còn hơn 10 triệu đồng bởi lý do cán bộ khối Đảng, đoàn thể ở cấp huyện có phụ cấp nhưng về cấp xã tiếp tục làm công tác Đảng thì không được hưởng phụ cấp nữa. “Vậy tỉnh có giải pháp như thế nào để động viên cán bộ luân chuyển, điều động xuống cấp xã yên tâm cống hiến?”.

Đồng chí Lê Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên nêu kiến nghị

Trả lời nội dung đồng chí Hùng kiến nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ đi cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng nhằm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thời gian qua, Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm đời sống, điều kiện để các đồng chí công tác tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số cán bộ công tác ở khối Đảng, đoàn thể ở cấp huyện khi thực hiện công tác luân chuyển xuống cấp xã làm việc thì không được hưởng chế độ phụ cấp nữa. Nội dung này Tỉnh ủy đã nhiều lần kiến nghị Trung ương bổ sung đối tượng cán bộ khối Đảng khi luân chuyển, điều động xuống làm việc ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 nhằm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chế độ tiền lương, theo đó, sẽ ban hành các khung lương theo chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương. UBND tỉnh đang dự thảo trình HĐND tỉnh chính sách đối với cán bộ luân chuyển nhằm khuyến khích, động viên cán bộ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ về những thiệt thòi về mức thu nhập của cán bộ khi thực hiện luân chuyển, điều động. Thường trực Tỉnh ủy giao UBND tỉnh nghiên cứu các giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho các đồng chí trong diện thực hiện luân chuyển, điều động.

Đồng chí Hà Mạnh Linh - Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục, huyện Con Cuông nêu kiến nghị

Về công tác phát triển đảng viên, đồng chí Hà Mạnh Linh - Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phục, huyện Con Cuông cho biết, trong những năm qua công tác phát triển Đảng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm. Hiện nay, số quần chúng ưu tú được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng hàng năm hầu như ngoài độ tuổi Đoàn, trên 30 tuổi, trình độ văn hóa mới đạt 9/12, lý do đa số đoàn viên có trình độ văn hóa 12/12, sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường hầu hết đi làm ăn xa nhưng không ổn định. Trong thời gian tới tỉnh cần có các cơ chế, chính sách gì để tạo việc làm cho con em tại địa phương, đồng thời vừa là tạo nguồn để phát triển Đảng đảm bảo có chất lượng?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên tại các địa bàn miền núi. Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, chỉ tiêu hàng năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra là 4.500 – 5.000 đảng viên. Trong 2 năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp được trên 9.500 đảng viên. Số đảng viên dưới 30 tuổi chiếm hơn 79%; có trình độ phổ thông trên 93%. Tuy nhiên tại các huyện miền núi thì có tỷ lệ thấp hơn. Số đảng viên kết nạp trong thời gian qua vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường, củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm giai đoạn 2020 - 2025 phải đạt từ 3 - 4%/tổng số đảng viên, tương đương với tỷ lệ đó thì hàng năm tỉnh ta phải kết nạp trên 6.000 đảng viên.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định 3 đột phá là phát triển hạ tầng đồng bộ, đào tạo con người và cải cách hành chính. Tỉnh đã tập trung xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm như xây dựng cảng nước sâu, nâng cấp sân bay quốc tế, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp… Trong năm 2022, tỉnh đã thu hút được 961 triệu USD, đứng 10 cả nước về thu hút đầu tư, tạo việc làm từ 45.000 – 47.000 lao động mới. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được 721 triệu USD. Đồng thời, tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, việc thu hút đầu tư tốt sẽ tạo điều kiện đưa con em Nghệ An lao động ở trong và ngoài nước về trực tiếp lao động trên địa bàn tỉnh, đây là sẽ là nguồn để kết nạp đảng viên mới. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác phát triển đảng viên ở lực lượng học sinh phổ thông. Và hiện tỉnh đã ban hành các Đề án phát triển đảng viên ở vùng đặc thù, doanh nghiệp.

Đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, công tác thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm gặp nhiều khó khăn. Tỉnh sẽ quan tâm để mời gọi các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh phù hợp với địa bàn miền núi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM kết hợp với 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần tăng số đảng viên kết nạp mới…

Đồng chí Nguyễn Đình Tâm - Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc nêu kiến nghị

Đồng chí Nguyễn Đình Tâm - Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc cho biết: Trong những năm qua, việc thực hiện nhiều dự án đầu tư trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã giúp cho người dân địa phương có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nhiều xã ở Nghi Lộc nằm trong vùng Khu Kinh tế Đông Nam, có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai như Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, dự án WHA... nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều, do vậy các xã không có quỹ đất để làm hạ tầng, phân lô đất ở, đấu giá đất làm ảnh hưởng đển nguồn thu ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi của địa phương. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có chính sách để hỗ trợ cho các xã đặc thù, đặc biệt là các xã nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam?

Về nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định phát triển công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh, qua đó để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ với các địa phương trong Khu kinh tế Đông Nam về những khó khăn khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều.

Thời gian qua, tỉnh có chủ trương đối những xã bị thu hồi đất lúa để phát triển công nghiệp thì ưu tiên kinh phí để phục hồi phát triển sản xuất. Đối với những xã nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam đã có quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ thì vẫn trình lên cơ quan có thẩm quyền để tổ chức bán đấu giá theo pháp luật hiện hành.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP